MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ông Phong xử mạnh “karaoke tra tấn”, nhưng luật còn yếu

Lê Thanh Phong LDO | 01/03/2021 09:24
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn yêu cầu nhiều sở ngành tăng cường phòng, chống vi phạm về tiếng ồn sau khi báo chí phản ánh nạn karaoke tự phát trên các tuyến đường, trong các khu dân cư khiến người dân mất ăn mất ngủ.

Chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Phong được cả xã hội ủng hộ, bởi vì không chỉ TPHCM, mà cả nước đang bị nạn karaoke tra tấn.

Chính quyền cơ sở từng theo phản ánh của “nạn nhân”, yêu cầu các hộ gia đình đừng mở karaoke quá lớn. Chuyện này không ăn thua, thậm chí nếu hàng xóm lên tiếng yêu cầu thì trở thành gây gổ, dẫn đến đâm chém, án mạng.

Chính quyền tuyên truyền kêu gọi ư, cũng có nhiều rồi, nhưng chẳng ai nghe. Ai cũng cho rằng, nhà tôi thì tôi mở máy để hát, chẳng việc gì đến thiên hạ.

Cho nên, muốn xử mạnh tình trạng karaoke tra tấn, phải bằng pháp luật. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật điều chỉnh hành vi này còn “yếu”, nên dẹp loạn không triệt để.

Điều 6, Nghị định 167/2013 quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.

Quy định này “yếu” ở hai điểm. Một là chỉ xử phạt được nếu như gây ồn ào từ 22h hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Vậy thì người ta có thể hát cả ngày từ sau 6 giờ sáng cho đến trước 10 giờ đêm. Hai là mức xử phạt 100.000 - 300.000 đồng quá thấp, không đủ để răn đe ai, chắc không ai sợ. Bỏ ra 100.000 đồng mà hát cho nó đã họng thì cũng sướng, nhất là đối với mấy bợm rượu đã ngà ngà.

Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định xử phạt về tiếng ồn nhưng việc xử phạt hành chính phải căn cứ vào kết quả đo đạc.

Đo được tiếng ồn và xác định đúng mức để xử phạt thì phải có đầy đủ thiết bị, dụng cụ, cần điều kiện về thời gian, không gian khi đo. Nếu cán bộ chở máy móc tới nơi, người hát tắt máy hoặc mở nhỏ lại thì “huề cả làng”. Điểm yếu chính là chỗ này đây.

Đưa ra những phân tích để thấy rằng, muốn dẹp loạn karaoke tra tấn, không chỉ là ý chí, mệnh lệnh của người lãnh đạo, không chỉ là quyết tâm của chính quyền, không chỉ là mong muốn của người dân, mà cần phải có công cụ pháp luật.

Các quy định của Nghị định 167/2013 và Nghị định 155/2016 không còn phù hợp với thực tế, thì cần phải sửa đổi, bổ sung để có căn cứ xử lý các vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn