MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nghiệp ôtô Việt Nam loay hoay ì ạch sau hàng chục năm được chăm bẵm.

Ôtô nội địa- sao mãi không chịu lớn?

Anh Đào LDO | 29/11/2019 12:04

Giá thành cao hơn 20% so với khu vực. Thuế má nhất thế giới. Trong khi việc sản xuất thì sau hăm mấy năm: Tỉ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 10%. Đấy là những gì được gọi là ôtô made in Việt Nam.

Được chăm bẵm, bú mớm, cưng nựng các kiểu. Nhưng rồi sau hơn 20 năm, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khó có thể nói khác ngoài hai từ “thất bại”.

Tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu" có những con số và tính từ như này:

Hàm lượng công nghệ thấp, lạc hậu. Giá thành cao. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi rất thấp. Mục tiêu đề ra là tới 2005, tỉ lệ nội địa hóa sẽ là 40%. Và 60% vào 2010. Nhưng bây giờ, đã sắp sang 2020 rồi, tỉ lệ nội địa hóa vẫn chỉ  “đạt bình quân khoảng 7-10%”.

Có những gì trong tỉ lệ nội địa hóa ấy? Một vài chi tiết trên cái “vỏ tôn” được làm bằng công nghệ chân tay cứ hễ đụng là méo, là bẹp; là “cụm dây điện”, săm, lốp, gương, kính, ắc quy... tức là những chi tiết cần mồ hôi, cần thâm dụng lao động mà các nguyên liệu nhựa, chất dẻo để sản xuất cũng lại là nhập khẩu.

Trên chiếc xế hộp dưới 9 chỗ ấy, gọi là tỉ lệ nội địa hóa cho sang chứ thật ra chúng ta ít làm được cái gì cho ra hồn. Hoặc nếu gọi tỉ lệ 7-10% ấy là nỗ lực, hay thành tựu thì thành tựu cũng không mang lại bao nhiêu % giá trị trong một món hàng hóa đắt đỏ có tới 40.000 chi tiết ấy.

Còn các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, truyền động... có lẽ sẽ còn là câu chuyện của 20, thậm chí 50 năm nữa nếu tốc độ tỉ lệ nội địa hóa vẫn.... “em chã” như thế này.

Nói “em chã” là bởi ngành công nghiệp hăm mấy năm dù được chăm bẵm, bú mớm, cưng chiều các kiểu... vẫn như một đứa trẻ to xác, suốt ngày nằm ịch ra đó mà kêu bầu sữa chính sách “mẹ cho”.

Tại sao lại thê thảm như vậy?

Trong diễn đàn vừa nói ở trên, có một nguyên nhân được nhìn rất rõ thế này:

Một thời gian dài Chính phủ chưa có cơ chế ràng buộc các nhà đầu tư thực hiện tỷ lệ nội địa hóa mà chủ yếu dựa trên cam kết của doanh nghiệp…

Có nghĩa rằng tỉ lệ nội địa hóa mục tiêu được đặt ra chủ yếu cho đẹp. Các doanh nghiệp cam kết cứ cam kết, còn làm hay không kệ mà không làm thì cũng chẳng sao.

Nói dân dã, ngành công nghiệp này mãi “em chã”, mãi không chịu lớn là bởi chúng ta cho nó bú mớm mà lại thiếu đi một cái roi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn