MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Vụ phó Nguyễn Lộc An nhiều lần nhận hối lộ của bà chủ Xuyên Việt Oil. Ảnh: Bộ Công an

Patek Philippe và giấy phép 5- 7 tỉ đồng của Nguyễn Lộc An

Lê Thanh Phong LDO | 07/09/2024 15:00

Trong vụ án liên quan đến Công ty Xuyên Việt Oil, cựu Vụ phó Vụ thị trường trong nước Nguyễn Lộc An bị cáo buộc tội "Nhận hối lộ".

Theo kết luận điều tra, khoảng tháng 3.2016, thông qua quan hệ xã hội, Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil, được giới thiệu gặp gỡ, làm quen với ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, phụ trách mảng cấp giấy phép. Thực ra đó là cuộc tiếp cận để đưa hối lộ.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ đâu dính đó, thực ra chẳng phải bà Hạnh có phép thuật gì ghê gớm, mà vì có "mặt bằng chung", cứ trả đúng giá là có tất.

Mặt hàng ở đây là chi bôi trơn cho giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu mà phía bên có nhu cầu là Xuyên Việt Oil. Câu trả lời từ phía ông Nguyễn Lộc An với bà chủ Mai Thị Hồng Hạnh là chi phí phải "theo mặt bằng chung" từ 5-7 tỉ đồng.

Xin lưu ý, đây chỉ là khoản giấy phép mà thôi. Còn các khoản khác có "mặt bằng chung" với giá khác. Vì thế, Mai Thị Hồng Hạnh mới đưa hối lộ tổng số tiền hơn 1,3 triệu USD, tương đương hơn 30 tỉ đồng và 900 triệu đồng.

Tất nhiên, với cách kinh doanh phi pháp, Mai Thị Hồng Hạnh chấp nhận mặt bằng giá chung, "lấy mỡ nó rán nó", chẳng việc chi mà ngại. Theo cáo buộc, chỉ riêng Nguyễn Lộc An, bà Hạnh đưa 400 triệu đồng và đồng hồ hiệu Patek Philippe trị giá 23.000 USD.

Mặt bằng giá chung đó được chi cho các quan chức, đúng như ông Nguyễn Lộc An nói. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải nhận 50.000 USD, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - Trần Duy Đông và Vụ phó Hoàng Anh Tuấn được đưa hối lộ 250.000 USD...

"Mặt bằng chung từ 5-7 tỉ đồng", một câu nói lạnh lùng, đáng sợ từ miệng một Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương. Đó là tiền mua giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, như một thứ luật ngầm.

Còn bao nhiêu giấy phép được cấp theo mặt bằng chung này. Không ai dám nói ra, bởi vì nói ra thì người chi phí cho "mặt bằng chung" cũng liên quan đến hành vi đưa hối lộ.

Có bao nhiêu giấy phép nữa, không chỉ xăng dầu mà nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Các loại giấy phép đó có mặt bằng giá chung là bao nhiêu, 5-7 tỉ đồng hay nhiều hơn?

Chỉ khi các vụ án liên quan đến tham nhũng, hối lộ nổ ra mới rõ được các loại mặt bằng chung và giá cả của nó cũng như những mặt người.

Bao giờ mới dẹp được các loại "mặt bằng chung" nhưng là lợi ích riêng của những nhóm lợi ích?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn