MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà khoa học phải có thu nhập cao tương xứng với tài năng Ảnh: Hải Nguyễn

PGS Đinh Công Hướng bán chất xám mưu sinh không phi liêm chính khoa học

Lê Thanh Phong LDO | 04/11/2023 22:08

PGS.TS Đinh Công Hướng bán nhiều bài nghiên cứu để cải thiện thu nhập được dư luận quan tâm. Có người lên tiếng cho rằng như vậy là không liêm chính khoa học; có ý kiến ngược lại, bởi vì nhà khoa học cũng phải lo chuyện mưu sinh.

Cụ thể, theo thống kê từ cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội toán học Hoa Kỳ, PGS.TS Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học. Trong số này, 13 công trình ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 4 công trình ghi địa chỉ Trường ĐH Thủ Dầu Một.

Một nhà khoa học có 42 công trình nghiên cứu được công bố quốc tế, đó là nhà khoa học thứ thiệt, không phải là "ngụy khoa học". Thế mà vẫn không lo được cho bản thân một cuộc sống đầy đủ, phải hợp tác với trường khác, đứng tên công trình dưới danh nghĩa của trường đó để kiếm thêm thu nhập! Đó là chuyện bình thường, không có gì là không liêm chính khoa học.

PGS.TS Đinh Công Hướng làm việc tại Trường Đại học Quy Nhơn, nhưng thu nhập của một nhà khoa học có thực tài không đủ sống, phải công bố khoa học đứng tên trường khác. Trước sự việc này, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi với báo chí rằng hiện chưa có một quy định, văn bản nào về việc công tác ở trường này và hợp tác với trường khác để đưa vào công tác quản lý.

Có nghĩa là không có quy định nào của pháp luật cấm nhà khoa học công tác tại trường này hợp tác với cơ quan khoa học khác.

Mà tại sao lại cấm, một nhà khoa học công tác ở một trường đại học rất cần khuyến khích hợp tác với các trường, viện, tổ chức trong nước và quốc tế để nghiên cứu, công bố các công trình của mình. Vấn đề là công trình đó có giá trị như thế nào, có chất lượng khoa học đóng góp cho ngành khoa học đó không, công bố quốc tế đó có gây tiếng vang trong giới khoa học thế giới không, còn dưới danh nghĩa của trường, viện nào không quan trọng.

Nói thật sòng phẳng, và tính thị trường ngay cả đối với giới khoa học, nếu cơ quan khoa học nào trả giá cao hơn thì hợp tác với cơ quan đó. Đương nhiên, nhà khoa học phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở nơi họ công tác!

PGS.TS Đinh Công Hướng tự cho rằng mình vì mưu sinh mà có việc làm sai sót và viết đơn ra khỏi Hội đồng ngành Toán của Quỹ Nafosted. Việc làm đó thể hiện lòng tự trọng của một nhà khoa học, khi có những "điều tiếng" làm ảnh hưởng tới cái chung. Còn xét cho công tâm, công bằng, ông Hướng không có gì sai.

Qua vụ "ồn ào" của PGS.TS Đinh Công Hướng, cho thấy rõ thêm một thực tế, đó là các nhà khoa học chân chính, có tài năng thực sự, phải có được đãi ngộ tương xứng. Ngoài ra, nghiên cứu và làm ra sản phẩm khoa học cũng phải có thị trường và tuân theo quy luật cạnh tranh, ở đâu "mua" đúng giá thì nhà khoa học "bán" ở đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn