MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phá bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa là xu thế không thể đảo ngược

Lê Thanh Phong LDO | 10/05/2023 06:25
Liên quan đến nội dung một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phân tích, từ góc độ làm và thực thi chính sách, khi chương trình đã đi nửa chặng đường nếu thay đổi, quay lại thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa “sẽ đi ngược lại tinh thần, triết lí mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đang đặt ra”.

Ý kiến trên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn được trình bày tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 17 của Uỷ ban Trung ương MTTQVN diễn ra ngày 9.5.

Các vấn đề về giáo dục luôn có những tranh luận, phản biện, thậm chí là gay gắt, từ đó mới nảy sinh những ý kiến đóng góp có chất lượng, những ý tưởng sáng tạo. Chưa bao giờ một thay đổi gì trong giáo dục là dễ dàng, bởi vì nó liên quan đến hàng triệu học sinh trên đất nước này.

Về sự phá bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa cũng vậy, đúng như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, việc đổi mới lần này là cuộc “cách mạng trong giáo dục”: “Cách mạng 100% vui vẻ, tất cả đều thấy nhẹ nhàng, không ai lăn tăn gì thì không phải là cuộc cách mạng”.

Chủ trương đổi mới, cho phép biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa và đưa vào trong trường học là một sự thay đổi có tính đột phá. Có thể ban đầu còn gặp phải sự lúng túng, giáo viên bỡ ngỡ chưa quen việc, nhưng dần dần sẽ vận hành thuần thục. Đến thời điểm này giáo viên đã quen với việc một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

Nhiều bộ sách giáo khoa là nhiều nhóm chuyên gia tham gia biên soạn, tư liệu phong phú, hấp dẫn, học sinh được tiếp nhận kiến thức rộng hơn, sâu hơn. Cũng là môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, học sinh có thể tham khảo nội dung của nhiều bộ sách khác nhau, không bị áp đặt một chiều, đó cũng là giáo dục cho thế hệ học sinh hôm nay tư duy nghiên cứu khoa học.

Giáo viên tiếp cận với nhiều bộ sách giáo khoa, sẽ bỏ dần cách dạy máy móc, áp đặt, mà có điều kiện tiếp cận, tham khảo nhiều tư liệu mới, tự nâng cao trình độ để cống hiến hiệu quả cho nghề nghiệp. Cách dạy và học này đòi hỏi giáo viên luôn phải trau dồi kiến thức, đáp ứng triết lí giáo dục mở, tự do, chủ động, sáng tạo của chương trình mới.

Phá độc quyền biên soạn sách giáo khoa không chỉ là xóa lợi ích nhóm, huy động được trí tuệ trong xã hội, mà còn huy động tài chính để làm sách. Lúc đó, thị trường sẽ làm công việc sàng lọc, công bằng và khách quan. Sản phẩm nào chất lượng cao, giá cả phù hợp thì sẽ được khách hàng lựa chọn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn