MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Sóc Sơn đang tiến hành cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm xây dựng tại xã Minh Phú. Ảnh: Cao Nguyên

Phá dỡ biệt thự sai phạm ở Sóc Sơn, Nha Trang, phải xử luôn người thiếu trách nhiệm

Lê Thanh Phong LDO | 30/08/2023 10:43

Sáng 28.8, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tiến hành cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm xây dựng tại xã Minh Phú.

Lực lượng chức năng đã và sẽ tiến hành phá dỡ, cưỡng chế 6 công trình, homestay xây sai phép trên đất rừng phòng hộ.

UBND huyện Sóc Sơn có kế hoạch trong tháng 8 và tháng 9.2023, sẽ phá dỡ những công trình vi phạm xây dựng dọc con đường bêtông thôn Ban Tiện (xã Minh Phú) - nơi vừa xảy ra vụ đất đá vùi lấp hàng chục ôtô.

Nếu chỉ cưỡng chế tháo dỡ chừng này công trình, thì cũng chẳng ăn thua gì so với số công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện, báo chí đã lên tiếng nhiều năm, không phải mới đây sau khi vụ sạt lở xảy ra.

Tương tự, UBND TP.Nha Trang đã có quyết định bố trí kinh phí gần 10 tỉ đồng để cưỡng chế tháo dỡ 5 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (phường Vĩnh Trường, TP.Nha Trang) trong tháng 9 tới. Kinh phí tháo dỡ sẽ được UBND phường thu hồi lại từ các chủ đầu tư công trình.

Cưỡng chế phá dỡ biệt thự, homestay vi phạm là đúng, to mấy, nhiều tiền mấy cũng phải đập, của ai, chức gì cũng phải đập. Đó mới là pháp luật, là phép nước, không cương quyết, không thẳng thớm thì không quản được xã hội.

Nhưng từ chuyện cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm cho thấy một lỗ hổng lớn trong quản lý về xây dựng đang tồn tại ở nhiều địa phương. Ví dụ, trong tháng 8.2023, TP.Phú Quốc (Kiên Giang) quyết định cưỡng chế thêm 5 căn biệt thự xây trái phép ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Đây chỉ là số ít trong 79 căn biệt thự xây trái phép trên diện tích khoảng 18,9 ha đất do Nhà nước quản lý.

Những ngôi biệt thự được xây dựng trái phép trên đất rừng, đất do nhà nước quản lý, đương nhiên chính quyền địa phương phải biết. Một ngôi biệt thự, một homestay không phải cái chòi, muốn xây dựng phải làm nhiều thủ tục, đâu dễ làm càn.

Ở Sóc Sơn, Nha Trang, Phú Quốc, không phải một vài căn, mà là những khu biệt thự, làng biệt thự. Cho nên, nếu không có sự tiếp tay của cán bộ địa phương - những người có trách nhiệm quản lý - thì không thể làm được.

Cưỡng chế là phải thực hiện, nhưng đương nhiên phát sinh những thiệt hại đúng ra không nên có. Những tài sản bị tháo dỡ có thứ tái sử dụng, nhưng có những thứ chỉ là đống xà bần. Xây một căn biệt thự nhiều tiền, nhưng khi phá dỡ thì như hốt lại chén nước đã đổ ra mà thôi.

Nếu như cán bộ quản lý địa phương chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, ngăn chặn xây dựng trái phép từ trường hợp đầu tiên, từ khi đặt viên gạch đầu tiên, thì sẽ không có những hậu quả và thiệt hại như hôm nay.

Chính vì vậy, tháo dỡ công trình sai phạm thì phải xử lý những ai thiếu trách nhiệm dẫn đến những hậu quả này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn