MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 5.000ha rừng chờ chuyển đổi sang nông nghiệp tại khu vực hồ thủy lợi Ia Mor đang tái sinh. Ảnh Phan Tuấn

Phá gần 5.000ha rừng là đi ngược mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh

Thanh Hải LDO | 10/11/2023 09:30

Đề xuất của Gia Lai về việc phá gần 5.000ha rừng, chuyển đổi thành vùng tưới, nhằm phát huy hết công suất của công trình đại thủy nông Ia Mơr vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Chính quyền sợ lãng phí công trình 3.000 tỉ đồng, nhưng dư luận thì mong được giữ lại rừng...

Từ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định đầu tư 3.000 tỉ đồng, xây dựng hồ thủy lợi Ia Mơr tại Gia Lai. Mục tiêu cấp nước tưới cho hơn 12.500ha đất nông nghiệp cho huyện Chư Prông và một phần huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2017 công trình đã chặn dòng, tích nước. Tuy nhiên, đến nay hồ chỉ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 800ha đất nông nghiệp. Lo ngại kho nước khổng lồ đang thừa cung, lãng phí, Gia Lai liên tục đề nghị các Bộ ngành Trung ương, Chính phủ cho chuyển đổi hơn 4.757ha rừng (nghèo) vùng Ia Mơr thành đất nông nghiệp, ruộng lúa...

Nhưng, cho phá đi gần 5.000ha rừng không hề là một quyết định dễ dàng. Thẩm quyền thuộc Quốc hội, song các Đại biểu còn cân nhắc, nên đã nhiều kỳ họp vẫn chưa được thông qua.

Chính quyền Gia Lai "sốt ruột" là tất nhiên, bởi đại công trình nhưng không đưa vào sử dụng hết công suất, trong khi vùng ven còn khô hạn. Chủ đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đứng ngồi không yên khi đại thủy nông Ia Mơr không phát huy hết tác dụng.

Tuy vậy, phá 5.000ha rừng để làm vùng tưới là hoàn toàn không nên, không có lợi. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, thiên tai diễn biến phức tạp, giữ rừng, bảo vệ môi trường phải ưu tiên hàng đầu.

Tây Nguyên đang là "điểm nóng" mất rừng. Đặc biệt, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký cam kết tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) từ năm 2021. Nhà nước cũng đang triển khai, đầu tư cho mục tiêu trồng mới 5 triệu héc ta rừng đầy khó khăn, tốn kém...

Giá trị của rừng không chỉ có cây gỗ, động thực vật, dược liệu quý hiếm, là giữ đất, nước, là trầm tích văn hóa, không gian sinh tồn của con người... mà nay còn có thể "bán không khí", lấy tiền tỉ qua tín chỉ carbon.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Huyện Chư Prông, Gia Lai và cả Tây Nguyên hiện không thiếu gạo đến mức phải phá rừng để chuyển thành đồng ruộng. Chưa kể người dân vùng biên giới Ia Mơ, đồng bào thiểu số ở miền núi nói chung không có thói quen trồng lúa nước.

Lâm tặc lén hạ vài khối gỗ đã lãnh án tù, kiểm lâm để phá rừng bị kỷ luật, mất việc, thậm chí bị truy tố. Gia Lai đã từng có các dự án "xóa" cả trăm, cả ngàn héc ta rừng để làm các dự án hồ thủy lợi, sân golf, trồng trọt chăn nuôi... rồi không phát huy hiệu quả, bỏ hoang phí. Vì vậy cần có quyết định dứt khoát, không nên đề nghị phá thêm gần 5.000ha rừng.

Giữ gần 5.000ha là khoanh nuôi, tái sinh, góp phần quan trọng trong mục tiêu trồng mới 5 triệu héc ta rừng của Chính phủ. Giữ hàng ngàn héc ta rừng còn hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26, vì mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn