MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phá thế độc quyền kinh doanh vàng mới lành mạnh được thị trường

Lê Thanh Phong LDO | 26/12/2023 09:00

Thời gian gần đây, có nhiều đợt giá vàng trong nước tăng bất thường, người dân đổ xô mua bán vàng, người “lướt sóng” thắng lớn có nhiều, người thua cũng không ít. Sự biến động giá theo từng cơn sốt nóng lạnh này là do những hạn chế của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Giá vàng trong nước tăng cao là chuyện thường, các cơn “sốt” chỉ đẩy giá lên đỉnh và tạo ra tình trạng xáo trộn nhất thời trên thị trường. Có thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới trên 20 triệu đồng/lượng, một sự chênh lệch rất không bình thường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch đó là quy định về hạn chế nhập khẩu vàng làm mất cân đối cung cầu.

Sự thiếu hụt nguồn cung đẩy giá vàng trong nước cao chênh lệch quá lớn so với thị trường thế giới tạo môi trường béo bở cho nạn buôn lậu, nhập lậu vàng. Hoạt động buôn lậu vàng vào thị trường nội địa dẫn đến rối loạn thị trường, đó là một trong những nguyên nhân xảy ra các đợt biến động giá vàng bất thường. Bất cứ xáo trộn thị trường nào, từ vàng, bất động sản đến ngoại tệ đều gây thiệt hại, nó có thể đem đến lợi ích cho một nhóm người đầu cơ trục lợi, nhưng gây tổn thương chung cho toàn bộ nền kinh tế.

Một nguyên nhân khác làm cho thị trường vàng trong nước có những xáo trộn bất thường dẫn đến giá cao hơn thị trường quốc tế là do tình trạng độc quyền. Từ năm 2012, Nghị định 24 quy định vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Chỉ duy nhất một thương hiệu hoạt động trên thị trường, không độc quyền thì là gì? Và phải khẳng định rằng, quy định cho một thương hiệu kinh doanh độc quyền là không lành mạnh, làm méo mó thị trường. SJC là "cục cưng", là "con một", dành hết quyền ưu tiên, còn các doanh nghiệp vàng, trang sức mỹ nghệ khác do không được quyền nhập khẩu vàng phải mua vàng nguyên liệu từ nhiều kênh khác, trong đó có luôn nguồn "chợ đen".

Phân tích những điểm trên, để thấy sự không lành mạnh được tạo ra từ chính sách không còn phù hợp với thực tế cuộc sống.

Đã có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 24, cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng. Chính phủ cần xem xét, bởi vì Nghị định 24 đã bộc lộ những điểm hạn chế, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh vàng, cũng là sự bất lợi cho nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn