MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, NSND Kim Xuân, Minh Tài nêu ý kiến về việc xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Phải công bằng với nghệ sĩ, lên án được thì bảo vệ được

Lê Thanh Phong LDO | 30/12/2022 08:51
Khi cộng đồng xã hội đòi hỏi nghệ sĩ - là người của công chúng - phải nêu gương, không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật, thì phải công tâm, công bằng với nghệ sĩ.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 vào ngày 22.12 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng Phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) - đã đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý những cá nhân hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật.

Nghệ sĩ được yêu hay bị ghét là chuyện bình thường. Người càng nổi tiếng thì càng bị ghen ghét, dễ rơi vào tình trạng bị tố cáo, thậm chí vu khống. Đây là rủi ro khó tránh. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi bị dư luận "tẩy chay" chỉ vì một hành xử thiếu văn minh, văn hóa. Cái khó của người của công chúng là ở chỗ đó.

Khi có tố cáo, các kênh truyền thông đưa tên tuổi, hình ảnh của nghệ sĩ lên để hạch hỏi, thậm chí bêu riếu, ai bảo vệ? Có những nghệ sĩ sống và làm nghề đàng hoàng, cống hiến cho nghệ thuật, chỉ bị một lời vu cáo, ảnh hưởng đến sự nghiệp, vợ con, gia đình.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tâm sự với phóng viên Lao Động rằng: "Vẫn biết đó là một hành động mạnh để nghệ sĩ có những lựa chọn đúng đắn trong hành xử, tuy nhiên, tôi mong có những quy định chi tiết hơn để nghệ sĩ hiểu rõ. Đồng thời, nghệ sĩ cũng muốn được bảo vệ khi bị bôi nhọ, vu khống, đặt điều, tấn công trong khi họ tôn trọng pháp luật, không tự phát chống trả".

Không chỉ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mà tất cả người làm nghệ thuật đều có suy nghĩ và tâm tư như vậy. Có những quy định để nghệ sĩ biết, tự đưa mình vào những nguyên tắc, quy định khuôn khổ, tôn trọng khán giả và người hâm mộ, sống có trách nhiệm, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Ai sai thì người đó bị xử lý, bị trừng phạt, bị "phong sát". Nhưng phải bảo vệ nghệ sĩ sống tốt, cống hiến thực sự cho nghệ thuật.

Người nổi tiếng, người của công chúng vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo pháp luật như mọi công dân khác. Tuy nhiên, người của công chúng thì không thể đứng trước công chúng khi họ chơi ma túy, cưỡng dâm, ấu dâm...

Bởi vì, có nhiều thanh thiếu niên xem họ là thần tượng, hoặc ít nhất là ngưỡng mộ họ, rất dễ bị ảnh hưởng từ những hành vi tiêu cực của họ.

Cho nên, trong khi chờ đợi pháp luật bảo vệ mình, trước hết nghệ sĩ phải tự bảo vệ mình bằng cách sống và làm việc có đạo đức, chấp hành pháp luật.

Ai vai to tất vác nặng, nghệ sĩ là người của công chúng, dứt khoát phải chịu áp lực từ công chúng. Đó cũng là lẽ công bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn