MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những phương pháp phòng dịch mới được nhiều khu chung cư kết hợp song song với các biện pháp cơ bản để phòng dịch cho cư dân. Ảnh: Phan Anh

Phải công bố danh tính người trốn cách ly để bảo vệ cộng đồng

Lê Thanh Phong LDO | 11/03/2020 11:10
Muốn không nêu tên, không bị kỳ thị vì nghi ngờ nhiễm bệnh, thì chấp hành quy định cách ly và không được bỏ trốn.

UBND thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tiến hành cách ly và giám sát y tế đối với cặp vợ chồng từ Hà Nam vào. Trước đó, người vợ đang thực hiện việc cách ly dịch COVID-19 tại địa phương, nhưng tự ý bỏ trốn vào ngày 5.3.

Tại cuộc họp ngày 9.3, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, có trường hợp hành khách trên chuyến bay VN0054 đang cách ly tại nhà, nhưng thực hiện không nghiêm túc, vẫn ra khỏi nhà.

Trước đó, ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị xác nhận với Lao Động về trường hợp đánh tráo người khác để trốn cách ly.

Ai cũng biết, những trường hợp trốn cách li gây nguy hiểm cho cộng đồng. Bởi lẽ, không ai biết những người này thuộc diện cách ly, vẫn tiếp xúc bình thường, thì dịch bệnh rất dễ lây lan nếu như họ bị nhiễm virus. Ba trường hợp trên là ví dụ cụ thể về hành vi tiêu cực có thể dẫn đến lây lan dịch COVID-19.

Báo Lao Động ngày 10, 11.3 có hai bài viết: Nữ tiến sĩ với dịch COVID - 19 diện F2 đã bị khủng bố như thế nào? và Bệnh nhân dịch COVID - 19 không phải là tội nhân nêu quan điểm không công khai danh tính bệnh nhân dịch bệnh cũng như người bị nghi ngờ (F2), bởi vì đó là quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc không nêu tên và thông tin riêng của người bệnh không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là đạo lý.

Nhưng đó là đối với những trường hợp đang điều trị hoặc chấp hành cách ly theo quy định của ngành y tế, còn với những trường hợp trốn cách ly, bất hợp tác với cơ sở y tế và cơ quan chức năng thì phải xử lý thế nào?

Nếu không công khai danh tính cho cho mọi người được biết, để những trường hợp trốn cách ly "sống chung với cộng đồng" thì chẳng khác gì cộng đồng "sống chung với dịch". Cho nên  người đã bỏ trốn cách ly mà vẫn giữ bí mật danh tính, thì chẳng khác gì gây họa cho xã hội, là không có đạo lý với cộng đồng.

Ai trốn cách ly thì phải thông báo cho các địa phương biết để kiểm soát, để truy tìm tung tích, và những người khác biết để tránh tiếp xúc. Điều này cũng cần thông báo thật rõ ràng cho người thuộc diện cách ly biết trước để họ chấp hành quy định cách ly nghiêm túc, không dám bỏ trốn.

Công khai danh tính người trốn cách ly hoàn toàn bảo đảm về tính pháp lý và cũng phù hợp với đạo lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn