MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phải dẫn giải người làm chứng đến tòa

LÊ THANH PHONG LDO | 20/09/2019 10:10
Phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang sáng ngày 18.9 phải hoãn vì vắng mặt người làm chứng. Hai ngày trước đó, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La phải hoãn ngay trong ngày khai mạc do nhiều người làm chứng vắng mặt không lý do.

Tại phiên tòa xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang, trong số 177 người bị triệu tập đến làm chứng, chỉ có 55 người có mặt; 60 người có đơn xin vắng mặt; 62 người vắng mặt không có lý do. Đại diện VKS cho rằng, sự vắng mặt nhiều người làm chứng ảnh hưởng đến việc xét xử nên đề nghị hoãn.

Hoãn phiên tòa đúng luật, nhưng cần xem lại có cần thiết triệu tập số đông người làm chứng không và triệu tập có hợp lệ không. Nếu cứ để xảy ra tình trạng người làm chứng vắng mặt nhiều mà hoãn phiên tòa thì đến bao giờ mới xử xong vụ án. Mỗi lần đưa ra xét xử, tốn kém thời gian, tiền bạc của nhiều bên tham gia, tốn kém đó là thiệt hại chung cho cả xã hội.

Cần xác định lại số lượng người làm chứng, mục đích là đầy đủ thông tin, chứng cứ phục vụ cho xét xử. Có thể đối với nhiều người làm chứng khác, không cần triệu tập mà căn cứ vào lời khai. Cần chứng cứ, nhưng không phải người làm chứng nào cũng có vai trò quan trọng. Phải phân loại để triệu tập những người quan trọng trước, nếu cần thiết, khi chưa đủ chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, thì tòa triệu tập thêm những người còn lại.

Ở hai phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại Sơn La và Hà Giang, cho thấy có điều gì đó không bình thường, những người làm chứng cố tình không đến tòa theo giấy triệu tập. Có thể họ nhận thức rằng, chỉ là người làm chứng, không phải bị cáo, cho nên không cần phải đến.

Vậy thì cơ quan tố tụng phải thực hiện biện pháp mạnh đúng theo quy định của pháp luật, trường hợp người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của hội đồng xét xử.

Trong hai phiên tòa trên, rõ ràng sự vắng mặt của những người làm chứng đã gây cản trở cho việc xét xử, cụ thể là phải hoãn. Cho nên, cần áp dụng các quy định của pháp luật để giữ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Các vụ án gian lận thi cử phải xét xử thật nghiêm, không bỏ lọt tội phạm, trong đó có hành vi đưa và nhận hối lộ. Muốn xử thật nghiêm thì không thể để người làm chứng cố tình coi thường pháp luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn