MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gán ghép hình ảnh Bác sĩ Trương Hữu Khanh vào quảng cáo thuốc chữa bệnh tiểu đường trên một trang mạng xã hội! Ảnh: TVQ

Phải “dẹp loạn” quảng cáo thuốc chữa bệnh trên trang mạng xã hội

Trung Hiếu LDO | 16/06/2022 08:02
Sau một thời gian tạm lắng do chính sách siết chặt thông tin quảng cáo từ cơ quan chức năng, gần đây các mạng xã hội, đặc biệt trang YouTube xuất hiện trở lại dày đặc quảng cáo các loại thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh mạn tính, nan y “ba đời chữa khỏi…”, tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho người nhẹ dạ, cả tin.

Anh T.V.Q, biên tập viên một đài truyền hình Trung ương viết cảnh báo trên trang cá nhân: “Một trang đăng tin, hình ảnh, cuộc trò chuyện với bác sĩ Trương Hữu Khanh về một loại thuốc chữa bệnh tiểu đường. Liên kết dẫn đến một trang bán thuốc với rất nhiều lời cảm ơn của các bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc...

Tôi đã nhắn tin cho bác sĩ Khanh và được xác nhận là giả mạo. Hàng ngày, những tin bài kiểu này rất nhiều trên các trang mạng xã hội, liên quan đến nhiều loại bệnh tật và hàng nghìn bệnh nhân. Chắc chắn, đã có rất nhiều người bệnh là nạn nhân, nhất là những người già, ở vùng nông thôn, thật thà, cả tin... Trách nhiệm của các nhà quản lý thông tin mạng ở đâu? Người bệnh đang bị vây bủa bởi nhiều thứ khốn nạn!  Ai có thể giúp họ đây?”.

Quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội là xu thế hiện nay. Với tần suất xuất hiện dày đặc những video với nội dung như “nhà tôi ba đời chữa khỏi”, “nhà tôi ba đời bán thuốc…” quảng cáo cho những loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang xuất hiện nhiều một cách bất thường. Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp nhẹ dạ, hoặc do thiếu thông tin, tin vào những nội dung quảng cáo xấu độc này, dẫn đến những sự việc đáng tiếc.

Mới đây, một trường hợp ở Hà Nội, vì muốn sinh con trai, một cô gái 25 tuổi đã tự mua thuốc nam về uống vì tin có hiệu quả. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng vọt nhiều lần và phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây không phải là trường hợp cá biệt, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Đa số bệnh nhân cho biết, họ nghe theo các quảng cáo trên YouTube bán thuốc gia truyền “ba đời" chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hóa khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai...”, nên đã không ngần ngại mua về uống, chẳng ngờ lại gặp tai hoạ.

Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng hiện nay. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những lời "rao bán" thuốc và thực phẩm chức năng, nhưng không vì vậy mà những loại quảng cáo này giảm đi, và người bệnh tránh được những... cái bẫy.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có một điều khoản riêng nào định nghĩa về “quảng cáo lừa dối”. Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ đề cập tới hành vi này thông qua hình thức liệt kê một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo với nhiều từ ngữ khác nhau như Luật Thương mại 2005 sử dụng: “Quảng cáo thương mại sai sự thật”; Luật Quảng cáo quy định: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn…

Lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là YouTube, nhiều đơn vị đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng, đang ra sức lừa dối người tiêu dùng về sản phẩm của mình. Người bệnh đang là đối tượng chịu thiệt thòi.

Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung, áp dụng luật để trừng trị đối với các cá nhân cố tình quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì cơ quan chức năng cần có chế tài các trang mạng xã hội gieo rắc thông tin sai sự thật đến với người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn