MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà ông Alăng Dới, huyện Nam Giang bị thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ cuối năm 2020 cuốn trôi cùng nhiều vật dụng, nay chưa được bồi thường. Ảnh: Thanh Chung

Phải dựa vào luật mà xử chứ không thể mãi ngửa tay đi xin ông thủy điện

Thanh Hải LDO | 04/04/2021 15:54

Đà Nẵng lại phải đề nghị các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, Quảng Nam xả nước để cải thiện tình trạng nhiễm mặn và thiếu nguồn nước sinh hoạt trong mùa hạn. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân phía thượng nguồn vẫn chưa được đền bù, giải tỏa hoặc bồi thường thiệt hại do xả lũ...

Sông Đắk Mi là một trong những nhánh lớn, chủ lưu của dòng Vu Gia, bắt nguồn từ núi Ngọc Linh, rồi xuôi phía tây bắc Quảng Nam. Đoạn cuối tách một nhánh lớn đổ về Đà Nẵng. Dòng sông này đã bị chia cắt, phân tầng bởi nhiều thủy điện.

Một trong những thủy điện bậc thang trên thượng nguồn Đắk Mi là dự án thủy điện Nước Chè, triển khai từ tháng 6.2018. Dự án ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ, huyện Phước Sơn.

Dù chưa thống nhất giá đền bù, giải tỏa, nhưng thủy điện Nước Chè đã vội thi công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng, công trình dân sinh, đất sản xuất... của gần 1.000 hộ dân ở huyện Phước Sơn. Dân khiếu nại, sự việc chưa được xử lý thì cuối năm 2020, Giám đốc của dự án cùng nhiều thuộc cấp vướng án hình sự, công trình "bỏ hoang", đến nay dân không thể đòi được tiền bồi thường thiệt hại...

Phía dưới của dòng Đắk Mi, thủy điện Đắk Mi 4 đã liên tục gây khó khăn cho người dân vùng dự án từ khi triển khai năm 2007. Mới nhất, cuối tháng 10.2020, thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho hơn 900 hộ dân ở huyện Nam Giang. Đến nay, Công ty cổ phần thủy điện Đắk Mi vẫn chưa thống nhất số tiền hỗ trợ cho người dân.

Trong khi theo thống kê từ dân, tổng thiệt hại do thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ bất ngờ, gây hại hơn 47 tỉ đồng, thì Tổ công tác liên ngành của huyện và thủy điện rà soát, ghi nhận chỉ xấp xỉ 16 tỉ đồng. Và ông Vũ Đức Khánh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Mi 4 cho rằng không có đủ thẩm quyền quyết định mà sẽ kiến nghị hỗ trợ khoảng... 3,3 tỉ đồng.

Tất nhiên, những mặc cả, bớt xén vẫn còn nâng lên để xuống trên bàn giấy, trong khi 6 tháng nay, 900 hộ dân vùng hạ lưu của Đắk Mi 4 đang khốn khó. Nhiều gia đình vẫn phải trong tình trạng ở ghép, thuê trọ tạm bợ nơi khác vì mất nhà.

Khi xây dựng, thủy điện Đắk Mi 4 đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước vì cắt tiệt dòng để chuyển nước về sông Thu Bồn, tận dụng độ cao chêch lệch (dốc), nâng cao công suất phát điện. Sau thân đập đã thành dòng sông chết. Mùa hạn, hạ lưu khô kiệt, ngược lại, mùa mưa lại gánh chịu xả lũ bất thường mà gần cả ngàn hộ dân Nam Giang vừa mất nhà, trôi sạch của cải, đất canh tác như 2020 vừa qua.

Tệ hại hơn, trên 1,7 triệu dân vùng hạ lưu là TP.Điện Bàn, Hội An và Đà Nẵng luôn bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, bị nhiễm mặn vì mất nguồn cung từ thượng nguồn Vu Gia.

Nhiều lần phải làm đơn xin, đề nghị thủy điện xả nước cứu hạn, mặn bất thành, Đà Nẵng đã từng khiếu kiện lên Trung ương. Tháng 4.2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải lúc bấy giờ đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư Đắk Mi 4 phải thiết kế cống điều tiết tại đập để xả 25m3 nước/giây trở lại dòng cũ là sông Vu Gia, giải quyết nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở hạ lưu. Tuy nhiên, thủy điện Đắk Mi 4 vẫn không thực hiện.

Nếu thủy điện gây hại cho dân, cho môi trường thì cơ quan chức năng cần điều tra. Chính quyền vùng hạ du cần phải kiện, đòi đền bù. Phải dựa trên pháp luật và các quy định của nhà nước mà xử lý, không thể chỉ thương lượng kiểu đến hẹn lại lên là làm đơn xin, đề nghị xả nước hay cân nhắc mức tiền và chậm bồi thường cho dân như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn