MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phải giảm gánh nặng xe công

LÊ THANH PHONG LDO | 23/10/2019 07:00

Cả nước có gần 40.000 xe ôtô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm. Ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỉ đồng để nuôi xe công mỗi năm, chưa kể hàng chục nghìn tỉ đồng để sắm số lượng xe công này, và còn thêm xe mới.

Nhiều tỉnh nghèo như Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang thu ngân sách mỗi năm chỉ tương đương với số tiền nuôi xe công cho nước ta.

Tính ra, mỗi năm chi 300 triệu đồng để nuôi một chiếc ôtô công thì quá lớn. Mỗi tháng mỗi xe xài hết 25 triệu đồng, ngân sách nào mà chịu cho thấu. Nhưng trong con số 300 triệu đồng này, hao phí, thất thoát không nhỏ. Tính chung cho cả 12.000 tỉ đồng, thì con số thất thoát cũng tính đến tiền ngàn tỉ đồng.

Thất thoát từ việc gian lận xăng xe, bảo trì, sửa chữa. Thất thoát từ việc sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn. Thất thoát từ lấy xe công để dùng cho việc riêng... Nhiều vụ cán bộ đưa xe công đi ăn đám cưới, đám giỗ, đi chùa được báo chí phản ánh, tuy có hạn chế, nhưng không ngăn chặn hết được. Vì vậy, tốt nhất là khoán, bởi vì khi sử dụng phương tiện cá nhân, tự khắc ai cũng phải biết cách tiết kiệm, có lợi cho cá nhân và cho xã hội.

Khoán xe công vẫn là cách hiệu quả nhất để quản lý và thực thi nghiêm chỉnh Luật Ngân sách, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí. Biết là vậy, nhưng cho đến nay, nhiều lần họp hành ồn ào chuyện khoán xe công, nhưng vẫn chưa có nhiều đơn vị tham gia hưởng ứng, cũng là “đánh trống bỏ dùi” mà thôi.

Đã có một số đơn vị triển khai thực hiện khoán xe công, như Hà Nội thí điểm tại 8 cơ quan. Theo tính toán, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng của các đơn vị là 1,771 tỉ đồng, trung bình tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng. TPHCM, việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ôtô từ tháng 5.2018 tại 5 đơn vị, giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỉ đồng/năm.

Hiệu quả rõ rành rành như vậy, tại sao không nhân rộng ra, hoặc bắt buộc thực hiện. Chỉ mới 5 đơn vị tại TPHCM, khoán xe công tiết kiệm được 1,2 tỉ đồng/năm, vậy nếu như cả nước đều khoán xe công thì giảm gánh nặng ngân sách rất lớn.

Lâu dài, bền vững hơn là giảm biên chế, sáp nhập các bộ, các sở, ban ngành và quận, huyện các địa phương. Bộ máy gọn nhẹ, giảm bớt chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe công thì sẽ giảm chi tiêu cho khoản này.

Một đất nước còn nghèo, nợ chất chồng nhưng chi tiêu công lãng phí là không thể chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn