MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 4.700 ha rừng chờ chuyển đổi sang nông nghiệp tại khu vực hồ thủy lợi Ia Mor đang tái sinh rất tốt. Ảnh Phan Tuấn

Phải giữ 4.700ha rừng tái sinh ở vùng tưới thủy lợi Ia Mơr, Gia Lai

Trung Hiếu LDO | 07/06/2022 15:00

Tỉnh Gia Lai đang đối diện với sự lựa chọn nan giải, đó là việc phá hay giữ hơn 4.700 ha rừng tái sinh, để mở rộng vùng tưới, tận dụng công suất thiết kế của hồ thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông, có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt vào tháng 10.2005, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình xây dựng đến năm 2017 đã tiến hành chặn dòng. 

Hồ thủy lợi Ia Mơr có đầu mối nằm trên suối Ia Mơr (xã Ia Mơr), khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 12.500 ha của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak; đồng thời cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân khu vực quanh hồ chứa và đường kênh. Ngoài ra, công trình còn giúp đảm bảo môi trường và kết hợp giảm lũ hạ du, phát điện, nuôi trồng thủy sản, du lịch… 

Cho đến thời điểm này, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 1 và 2 đủ năng lực cấp nước tưới cho khu tưới sản xuất nông nghiệp đã hình thành, khoảng 9.500ha (đạt 66%). Như vậy, dự án này còn khoảng 34% trữ lượng nước chưa được khai thác, sử dụng. 

Để bảo đảm dự án đi vào hoạt động hiệu quả thì phải chuyển đổi hơn 4.757ha rừng (nghèo) thuộc vùng tưới hồ Ia Mơr (nằm trong phạm vi diện tích 4.898ha đất tự nhiên vùng dự án) thành vùng sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng oái ăm thay, trong quá trình chờ chuyển đổi thành đất nông nghiệp, hơn 4.700 ha rừng tại đây bắt đầu tái sinh xanh tốt, và hình thành vùng sinh thái lâm sinh mới. Nhiều khu vực cây rừng đã lớn, có đường kính từ 20-50cm.

Tính đến năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha (bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán), trong đó, rừng tự nhiên là gần 2,2 triệu ha; còn lại là rừng trồng. So sánh với năm 2018 cho thấy, diện tích rừng tự nhiên giảm gần 16.000ha. Ba tỉnh có diện tích giảm mạnh là Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.

Tại Công văn số 8957/BNN-XD trả lời cử tri Gia Lai về bất cập của hồ thủy điện Ia Mor, Bộ Nông nghiệp và PTNT giữ nguyên quan điểm: "Đối với vùng tưới địa bàn tỉnh Gia Lai (8.500 ha), phần lớn là diện tích đất lâm nghiệp (có khoảng 4.757 ha đất có rừng), UBND tỉnh Gia Lai đang hoàn thiện hồ sơ các thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất, rừng các loại theo hướng dẫn của Bộ tại Công văn số 4323/BNN-TCLN ngày 26-6-2020, đến nay địa phương vẫn chưa thực hiện xong. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai kiến nghị với UBND tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng như hướng dẫn của Bộ tại văn bản nêu trên để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo".

Hiện để không lãng phí kho nước hồ thủy lợi Ia Mor, tỉnh Đắk Lắk đề xuất kéo dài hệ thống kênh chính, kênh nhánh về giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất cho người dân vùng kinh tế mới xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, đồng thời giúp khoảng 4.700ha đất nông nghiệp ở địa phương này có nước tưới, giúp hàng ngàn hộ dân đi kinh tế mới giải quyết vấn đề thiếu nước sản xuất, sinh hoạt hơn 20 năm nay.

Dự kiến xóa trắng hơn 4.700 ha rừng tái sinh, để đáp ứng hiệu quả tưới cho công trình thủy lợi Ia Mor là việc làm rất cần phải cân nhắc thấu đáo. Rừng Tây Nguyên vốn đang suy kiệt, có được một diện tích rừng như nói trên là vô cùng quý báu. Vì vậy bằng mọi giá phải giữ cho được rừng tái sinh vùng Ia Mor.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn