MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phải làm rõ giá test xét nghiệm nhanh COVID-19

Linh Anh LDO | 28/09/2021 06:43
Một bộ test xét nghiệm nhanh ở nước ngoài chỉ có giá 1,5 USD, tương đương 35.000 đồng, nhưng hiện người dân đang phải trả giá gấp nhiều lần mỗi lần xét nghiệm.

Đó là nội dung phát biểu của ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm hôm 26.9 được báo chí dẫn lại.

“Theo tôi được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test. Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng”- ông Hồng Anh phát biểu.

Thông tin về giá 1,5 USD/test vẫn cần xác minh lại nhưng rõ ràng nó thấp hơn rất nhiều so với giá test nhanh hiện nay.

Về sản xuất trong nước, Việt Nam hiện chỉ có 1 sản phẩm test nhanh kháng nguyên sản xuất trong nước được cấp phép giá bán công bố gần 100.000 đồng/test (đã giảm hơn 35.000 đồng so với thông báo trước đó).

Về nhập khẩu, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 20 sản phẩm test nhanh kháng nguyên của nước ngoài với mức giá công bố dao động từ 79.800 - 200.000 đồng/test.

Và không chỉ dừng lại ở đó, khi người dân đi test tại các bệnh viện để lấy chứng nhận thì mức test nhanh vẫn rất cao, chẳng hạn tại TPHCM, không ít người phải chi trả mức  khoảng 300 đến 500.000 đồng/lần.

Về giá test nhanh, ngày 23.9 tại cuộc họp báo tại TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) lí giải ngắn gọn: Mỗi bộ test có những đặc tính khác nhau nên giá cả cũng có sự khác biệt!

Khác biệt không có nghĩa là chênh lệch quá lớn. Theo Bộ Y tế,  nhu cầu về sinh phẩm xét nghiệm từ nay đến cuối năm 2021 trên toàn quốc dự kiến cần 105,9 triệu test nhanh kháng nguyên, 25,7 triệu test Realtime RT-PCR.

Hãy thử làm con tính, chênh lệch giữa 1,5 USD (tương đương 35.000 đồng) và 200.000 đồng thì khi số lượng test nhanh lên đến hàng trăm triệu đơn vị thì độ chênh lệch sẽ là hàng ngàn tỉ đồng. Tiền đó, ai sẽ trả nếu không phải là những người dân?

Mới hôm 14.9, khi bàn về việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề: “Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra”.

Chưa nói đến khả năng trục lợi, chỉ cần làm thế nào mua được sát với giá gốc là đã có thể tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng.

“Phải chỉ rõ ra, có hay không sự chênh lệch quá lớn giữa giá gốc và giá bán test nhanh COVID-19?” là câu hỏi mà người dân lúc này đang rất chờ giải đáp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn