MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án sân Golf có dấu hiệu làm mất 37ha rừng ở Lâm Đồng. Ảnh: Mai Hương

Phải làm rõ vụ triển khai một dự án sân golf để mất 37 ha rừng ở Lâm Đồng

Lê Thanh Phong LDO | 09/04/2024 17:11

Dự án sân Golf Đơn Dương có dấu hiệu làm mất 37ha rừng, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm.

Dự án "The Dàlat at 1200" do Công ty TNHH Acteam International làm chủ đầu tư, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, biệt thự, sân golf từ 18 đến 36 lỗ, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí thể thao, dịch vụ du lịch. Diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 649ha và diện tích mặt nước 183ha. Năm 2018, hạng mục sân golf 18 lỗ được doanh nghiệp đưa vào hoạt động.

Nhưng chuyện xảy ra ở sân golf này là một diện tích rừng lớn bị phá ở đây, cần phải làm rõ trách nhiệm, cá nhân, tổ chức vi phạm để xử lý. Diện tích đất có rừng giảm hơn 43,2ha, trong đó có hơn 38,2ha rừng tự nhiên.

Ngoài số diện tích rừng bị mất đã được cơ quan chức năng xử lý, còn lại diện tích rừng mất chưa được xử lý trên 37,5ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Acteam International đã phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng. Trong diện tích rừng bị mất, có hơn 11,5ha rừng phòng hộ (gấp hơn 30 lần mức xử phạt vi phạm hành chính).

Để làm rõ ai chịu trách nhiệm về sai phạm không khó.

Chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 3.4.2007; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp lại lần 4 ngày 27.10.2016.

Trong giai đoạn này, có thủ tục bàn giao tài nguyên rừng với tổng diện tích bao nhiêu hay không. Cụ thể là hồ sơ hiện trạng rừng trước khi giao cho doanh nghiệp, để có căn cứ kết luận hành vi phá rừng và phá diện tích bao nhiêu ha. Phải làm rõ việc này, bởi vì Công ty TNHH Acteam International cho rằng, hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng năm 2008 không đảm bảo chính xác, có sai sót nên đề nghị lập lại hồ sơ rà soát, so sánh biến động tài nguyên rừng kể từ lúc nhận bàn giao tài nguyên rừng đến nay.

Ngoài làm rõ hồ sơ bàn giao tài nguyên rừng, cũng xác định trách nhiệm cá nhân. Vì theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017, tại sao các cơ quan chức năng không phát hiện ra việc phá rừng. Lúc đó, ai là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở liên quan.

Nếu như các cơ quan quản lý phát hiện phá rừng, ngăn chặn ngay lập tức, thì sẽ không có hậu quả như hôm nay.

Hoặc, doanh nghiệp triển khai các dự án đúng theo giấy phép, không phá rừng, thì chính quyền phải có các văn bản xác nhận, để doanh nghiệp không bị "oan" có hành vi phá rừng.

Sở NNPTNN tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm: "Vụ việc có dấu hiệu tội hủy hoại rừng nên cần phải xem xét, đánh giá đề xuất hướng xử lý vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa đảm bảo hoạt động đầu tư của doanh nghiệp".

Đúng là phải cẩn thận, nếu có sai phạm thì xử thẳng tay. Tuy nhiên, sai - đúng phải rõ ràng, mức độ đến đâu, không để cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn