MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ Chu Ngọc Hùng từng kêu cứu khi gia đình lâm vào cảnh "dở sống dở chết" vì bị cắt điện cắt nước (Ảnh: Dantri)

Phải luật hóa việc đẩy người dân vào cảnh ‘dở sống dở chết’?

Anh Đào LDO | 12/02/2020 06:47

"Nếu coi điện nước là hợp đồng dân sự cũng đúng, nhưng từ góc độ khác như hiệu lực quản lý nhà nước thì quan hệ thị trường hay dân sự đều có thể can thiệp bằng hành chính"- Lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long.

Hà Nội từng xảy ra một vụ hi hữu khi diễn viên Chu Ngọc Hùng- vai xã hội đen ‘Thế Chột’ trong phim Người phán xử, kêu cứu vì bị cắt điện cắt nước ròng rã, đẩy gia đình vào cảnh ‘dở sống dở chết’ trong cái nóng 39-41 độ mùa hè.

Nguyên do: công trình xây dựng của gia đình là không phép và chính quyền có văn bản đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu cắt điện cắt nước như một biện pháp đối với “công trình cải tạo không đúng cam kết”.

Khi ấy, tranh luận đã nổ ra trên mạng xã hội. Và ‘cái lý’ của đa số là cơ quan điện nước không được phép từ chối dịch vụ nếu gia đình ông Hùng vẫn thanh toán đầy đủ các hóa đơn thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Cái lý, là có sự lẫn lộn giữa việc cắt bỏ một dịch vụ dân sinh thiết yếu như một biện pháp hành chính. Và cái lý, là việc cắt điện, cắt nước ấy đang “hành chính hóa các quan hệ dân sự”.

Hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói tới việc ‘không hành chính hóa quan hệ dân sự’ khi việc cắt điện, cắt nước được đề xuất trong luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi như một biện pháp.

Báo chí, dẫn lời Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc, đề nghị “cần làm rõ bản chất của việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn, từ đó quy định cho phù hợp”.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì đề nghị “làm rõ thực tiễn có quốc gia nào trên thế giới quy định như vậy chưa”. Bà Nga cũng nêu quan điểm: ngừng cung cấp điện, nước không nên là biện pháp cưỡng chế.

Những ông Thế chột với nỗi đau khổ “sống dở chết dở” thực tế không phải là ít khi ‘cắt điện, cắt nước’ vẫn là một trong những biện pháp ưa thích, thậm chí không ít phổ thông từ phía chính quyền đặc biệt trong các vi phạm ở lĩnh vực xây dựng, đất đai.

Thực tế, cắt điện cắt nước cũng không phải là biện pháp vô lý duy nhất. Chúng ta hẳn còn chưa quên vô số những ví dụ chính quyền thẳng tay “phê lý lịch” khi một cá nhân, thậm chí gia đình một cá nhân “không chấp hành” kể cả là việc đóng góp những khoản tiền... tự nguyện.

 Hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói thế này: Việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp cắt điện, nước.

Có khoảng 10% quyết định xử lý vi phạm hành chính không được thực hiện. Nhưng chúng ta có bất lực trong xử lý vi phạm hành chính đến mức phải luật hóa việc đẩy người dân vào cảnh ‘dở sống dở chết’ như vậy không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn