MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phải phòng, chống “giặc COVID” đúng “mặt trận”

Lê Thanh Phong LDO | 22/09/2021 07:00
Ngư dân đánh bắt cá bằng thuyền thúng ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được chính quyền phát thẻ đi biển theo ngày chẵn lẻ, việc này nhằm đảm bảo giãn cách chống COVID-19 tại địa phương.

Dư luận đặt câu hỏi tại sao lại phân chia ngoài biển theo cách của trên bờ?

Ngư dân địa phương đã hai tháng không ra biển, nay được làm nghề trở lại thì quá mừng nhưng gặp phải quy định phát thẻ đi biển chẵn lẻ nên không ổn định. Dân phải chấp hành quy định về phòng dịch của địa phương, nhưng còn những băn khoăn.

Trong phòng dịch, có nhiều địa phương phát phiếu cho dân đi chợ theo ngày chẵn lẻ, bởi vì chợ đông người, nếu không hạn chế thì không đảm bảo giãn cách.

Còn biển thì mênh mông, ngư dân ra khơi cho dù chính quyền không quy định thì tự họ cũng giãn cách, thuyền này cách thuyền kia trên biển không tính bằng mét mà bằng kilômét. Cho nên, phải khẳng định, ở trên biển là an toàn về phòng dịch, không có chuyện “tập trung đông người”.

Vậy thì phát thẻ chia ngày cho ngư dân ra biển phỏng có ích gì trong phòng chống dịch?

Ngư dân muốn đi biển, phải có khai báo y tế, chấp hành các quy định về phòng dịch của địa phương như test âm tính và trình đầy đủ các thủ tục hợp lệ. Vậy thì phân chia ngày chẵn lẻ để hạn chế tàu thuyền ra khơi khai thác là không cần thiết.

Bởi vì, con virus SARS-CoV-2 không phải từ biển vào, nếu có phát sinh dịch thì là ở trên bờ. Vậy thì giải pháp phòng chống dịch là tại các cảng cá, không phải là chặn người ra khơi.

Theo ý kiến của những người có kinh nghiệm khai thác hải sản tại địa phương, hiện nay khi chưa kiểm soát dịch tốt, thì vẫn tạo điều kiện để ngư dân đi khai thác hải sản, nhưng chấp hành quy định phòng dịch. Việc chuyển hàng cung cấp cho tàu và bốc vác cá do lực lượng công nhân thực hiện, những người này không ra khỏi cảng cá mà hoạt động “3 tại chỗ”. Chủ tàu và những người có liên quan ra vào cảng cá phải có xét nghiệm âm tính. 

Hạn chế tập trung đông người tại cảng cá, bắt buộc phải xét nghiệm âm tính đối với người vào cảng cá, thực hiện “3 tại chỗ” đối với đội bốc vác trong cảng cá là cách phòng dịch trên bờ. Phòng dịch trên bờ mới là việc cần tập trung, làm cho tốt khu vực này thì không bị bùng dịch.

Còn ngư dân đi đánh bắt hải sản, đánh bắt xa bờ thì không có nguy cơ lây lan bệnh tật, cho nên phải tấn công “giặc” đúng mặt trận.

Tạo điều kiện tối đa để ngư dân khai thác hải sản, phục hồi sản xuất mà vẫn bảo đảm an toàn mới là thử thách năng lực của lãnh đạo các địa phương. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn