MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phải xem chuyện từ chức là “văn hóa quan trường”

Lê Thanh Phong LDO | 12/05/2023 06:18
Dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân quy định đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Không được tín nhiệm, hay là “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức là điều đương nhiên, không có gì phải “lăn tăn”.

Lâu nay, nhiều trường hợp không còn chút uy tín nào trong cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới nhưng vẫn khư khư giữ chặt cái ghế của mình. Chính những người này gây ra sự trì trệ trong công việc, mất đoàn kết trong đơn vị và xa hơn là sự mất lòng tin trong người dân.

Nhưng muốn biết một vị cán bộ có được tín nhiệm hay không, ở mức độ nào thì phải định lượng, không thể định tính, không lấy cảm xúc yêu ghét bình thường để làm thước đo. Và lá phiếu tín nhiệm chính là thước đo về sự tín nhiệm đối với một cá nhân, cho đến nay chưa có công cụ đo lường nào phù hợp và xác đáng hơn.

Không được tập thể tín nhiệm thì từ chức, về hưu sớm hay chuyển sang vị trí công tác khác, đó là thể hiện lòng tự trọng, bản lĩnh cá nhân và vì lợi ích chung. Có thể một cán bộ ở vị trí này làm việc không tốt, nhưng ở vị trí khác sẽ làm việc hiệu quả hơn. Từ chức để thay đổi cũng là bình thường, chưa kể là khách quan, khoa học xét về góc độ công việc.

Còn đối với những trường hợp bị mất tín nhiệm vì phẩm chất đạo đức kém, vì lối sống không gương mẫu. Hoặc tệ hơn, vì không quản được gia đình, để vợ con tự tung tự tác, cậy quyền cậy thế làm chuyện xấu xa, thì cởi áo về nhà là giữ chút liêm sỉ còn lại cho bản thân.

Nhưng chuyện đáng bàn nữa, đó là ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm, quan chức cũng nên chủ động từ chức. Đợi đến khi bị đưa vào danh sách tín nhiệm thấp thì không còn nước gì để nói, không phải đợi đến 10 ngày sau, mà ngay lập tức nên nộp đơn xin về vườn.

Thực tế là việc từ chức còn xa lạ trong giới quan chức, lâu nay đa số chỉ nói “xin chịu trách nhiệm”, nhưng ít có ai thể hiện tinh thần chịu trách nhiệm bằng hành động từ chức. Đã đến lúc phải thay đổi thái độ ứng xử trước hiệu quả công việc bằng một tuyên bố quyết liệt hơn là rút sợi dây kinh nghiệm.

Và đã đến lúc, cần phải xem việc từ chức là bình thường, là thể hiện “văn hóa quan trường”, không phải là chuyện gì quá to tát, quá ghê gớm như là “xưa nay hiếm”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn