MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nêu quan điểm cho rằng, người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết. Ảnh: Trần Vương

Phải xử lý hình sự kẻ tham nhũng, không thể dùng tiền để thoát tù

Lê Thanh Phong LDO | 20/07/2022 17:31
Gần đây, có quan điểm cho rằng, người phạm tội tham nhũng nếu ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 19.7, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết: "Nghị quyết Trung ương 3 khoá 10 đã nêu rõ: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”.

Ông Lợi cho rằng, người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết.

Ở đây, phải xác định rõ hai việc, một là "tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện", hai là "được xem xét giảm hình phạt khi xét xử".

Có nghĩa là, không thể có chuyện dùng tiền để thay cho ngồi tù, mà khuyến khích người phạm tội nộp lại tài sản tham nhũng. Nếu ai chấp hành nghiêm, tự giác khai báo, nộp lại đầy đủ tài sản mình đã ăn cắp hay nhận hối lộ, thì sẽ được xem xét khi lượng hình.

Luật pháp nghiêm minh và văn minh là ở chỗ, không thể hình sự hóa các quan hệ dân sự, thì tất nhiên cũng không thể hành chính hóa quan hệ hình sự. Nếu nộp tiền để được bỏ qua hình thức xử lý hình sự thì không còn là pháp luật nữa.

Pháp luật nghiêm minh và văn minh là ở chỗ, không bỏ lọt tội phạm và cũng không xét xử oan sai. Xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, thì phải xử lý hình sự, đó chính là đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, pháp luật nghiêm minh và văn minh còn ở chỗ, xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với những trường hợp ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, hợp tác với các cơ quan tố tụng, thành khẩn khai báo.

Giảm nhẹ hình phạt còn tùy thuộc vào mức độ của hành vi. Ví dụ, chủ động nộp tài sản tham nhũng trước khi bị phát hiện khác với nộp lại tài sản tham nhũng sau khi khởi tố vụ án.

Nộp toàn bộ tài sản tham nhũng khác với nộp một phần tài sản tham nhũng.

Nhưng dù cho ở mức độ nào, thì cũng phải xử lý hình sự, bởi vì bất cứ ai cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu dùng tiền thay cho tù thì sẽ không răn đe, hạn chế được tham nhũng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn