MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô - Dương Văn Hoà (ảnh nhỏ) - bị cáo buộc giả mạo trong công tác, khi ký ban hành 429 văn bằng giả. Ảnh: Bộ Công an

Phải xử lý những người sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô

Lê Thanh Phong LDO | 31/07/2021 10:43
Ông Dương Văn Hoà (38 tuổi) - cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô - bị cáo buộc ký 429 văn bằng giả theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT Trần Khắc Hùng.

Ông Trần Khắc Hùng rất nhanh nhạy, rất bén mùi thị trường, biết có nhiều người muốn lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch... nhưng không cần học, nên triển khai bán.

Người có nhu cầu được lợi là chỉ nộp tiền, không cần học cũng có bằng ngôn ngữ Anh hệ chính quy, còn trường không cần dạy cũng có tiền chia nhau.

Đây là cái chợ, không phải trường đại học.

Tất nhiên, đã không học mà vẫn được cấp bằng thì chỉ có bằng giả. Từ tháng 4.2018-3.2019, Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng. Riêng Dương Văn Hòa, từ ngày 22.5.2018 đến ngày 29.3.2019, ký 429 văn bằng giả.

Đã giả thì chuyện thi cử cũng như đóng phim, Đại học Đông Đô phát đề, kèm theo bài giải để học viên chép, sau đó trường tự lập bảng điểm công nhận kết quả thi.

Những sai phạm của lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô và các đồng phạm đã được các cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ, việc còn lại là xử lý những người mua bằng như thế nào.

Theo cơ quan điều tra, có 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Để làm rõ số 221 người còn lại này không khó, vấn đề là thời gian.

Nhưng đối với 210 trường hợp đã làm rõ thì sao? Họ bỏ tiền đi mua bằng giả, vậy có xác định được hành vi vi phạm pháp luật không, hành vi gì, được quy định như thế nào?

Có những người trong số này sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô để hợp thức hóa hồ sơ, được đề bạt, bổ nhiệm, vậy thì xừ lý như thế nào?

Có những người trong số này sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô để làm hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí là hồ sơ phong phó giáo sư, giáo sư, vậy thì những bằng cấp mà họ đã có được từ sự gian dối này có được công nhận không, có giá trị sử dụng không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Nhưng đến nay, danh sách người sử dụng bằng giả và cách xừ lý như thế nào thì chưa công bố công khai, dư luận chưa được rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn