MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư kí Thứ trưởng tại phiên toà. Ảnh: H.Phương

Phạm Trung Kiên "ăn" 42 tỉ đồng không lớn, vậy phải bao nhiêu mới là “đủ”, thưa luật sư?

Lê Thanh Phong LDO | 21/07/2023 15:45

Quan điểm của luật sư cho rằng, so sánh tương quan doanh thu của các doanh nghiệp, con số hơn 42 tỉ đồng không hề lớn. Cách so sánh này là khách quan, toàn diện, đầy đủ.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, luật sư cho rằng, bản chất số tiền hơn 42 tỉ đồng là từ hơn 30.000 công dân, nên chia ra, so với mỗi người, để đổi lấy sự an toàn tính mạng, đoàn tụ với gia đình... có lớn không, từ đó mới có cách tính chính xác, khách quan.

Viện Kiểm sát cho rằng, quan điểm bào chữa này gây phẫn nộ, thể hiện sự thờ ơ trước những nỗi đau, mất mát của đồng bào, nhân loại.

"Quan điểm của luật sư là sự xúc phạm đối với người dân đã trải qua đại dịch COVID-19 khi coi 42 tỉ đồng là không lớn nếu chia cho 30.000 người dân được đưa về Việt Nam", đại diện Viện Kiểm sát nói.

Đại diện Viện Kiểm sát đã không quá lời, bởi vì dư luận thực sự phẫn nộ khi nghe những lời biện hộ này. Không thể lấy số tiền hơn 42 tỉ đồng chia cho 30.000 công dân về nước trên chuyến bay giải cứu, để cho rằng Phạm Trung Kiên "ăn" như vậy là ít.

Thế thì xin hỏi, ăn bao nhiêu là "đủ" thưa luật sư? Phải là trăm tỉ, ngàn tỉ mới hài lòng hay sao?

Cũng không cần phải ngồi cãi nhau chuyện 42 tỉ đồng lớn hay nhỏ, mà bản chất là Phạm Trung Kiên đã có hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp, bóp chẹt doanh nghiệp để đòi tiền, là nhận hối lộ.

Trong lúc dịch bệnh đe dọa căng thẳng, không lo cứu người mà lo bóp cổ doanh nghiệp để đòi tiền, tiền đó cũng của đồng bào khốn khó, thì một đồng cũng đáng tội nói chi đến hơn 42 tỉ đồng.

Theo như những chứng cứ và lời khai tại tòa, sự thú nhận của Phạm Trung Kiên, thì bị cáo này khai thác triệt để các chuyến bay giải cứu để đòi tiền doanh nghiệp. Trong lúc bí bách cùng đường, doanh nghiệp phải cay đắng đưa tiền cho Kiên và các quan chức khác. Đến lúc này, các bị cáo phải đứng trước tòa vì tội đưa hối lộ cũng một phần do đòi hỏi của Kiên và những cán bộ quan chức có quyền cấp phép chuyến bay giải cứu.

Kiên là người đòi tiền nhiều nhất, với số tiền thuộc hàng nhiều nhất và nhận nhiều lần nhất với 253 lần. Kiên nhận hối lộ một cách "tham lam vô độ". Đến khi biết bại lộ, Kiên gọi điện cho các doanh nghiệp, yêu cầu phải khai báo là tiền vay mượn, góp vốn, để che giấu hành vi của mình.

Hơn 42 tỉ đồng nhận hối lộ mà các vị cho là không lớn, khi đánh tráo khái niệm là chia nhỏ trên đầu người. Nói như vậy, nếu có kẻ tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng, rồi chia nhỏ trên đầu 100 triệu dân để cho rằng số tiền tham nhũng đó không lớn hay sao?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn