MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phản biện nhìn từ chuyện “chê sếp dốt”

LÊ THANH PHONG LDO | 09/05/2016 07:08
Một nhân viên “quèn” của FPT trong một buổi họp bàn về chiến lược phát triển một dự án, đã thẳng thắn chê sếp dốt. Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình bình tĩnh hỏi lại: “Chú nói anh dốt thì chú có làm được không?”.

Nhân viên này gật đầu và Chủ tịch Trương Gia Bình giao việc. Từ một nhân viên, dám nghĩ, dám nói và dám làm, anh chàng chê sếp dốt nay đã trở thành sếp giỏi - anh là Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Software.

Nhân viên chê sếp dốt không thiếu, thậm chí rất nhiều, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước. Nhưng họ ngồi nói riêng với nhau, nói trên bàn nhậu, nói ngoài quán nước. Họ chê sếp dốt cho sướng miệng nhưng bản thân mình cũng chẳng giỏi giang gì, chẳng làm được trò trống gì. Loại này không cần bàn mất thì giờ!

Còn chê sếp dốt mà dám nói thẳng trước mặt sếp trong một cuộc họp đầy đủ mọi người, kẻ chê như vậy mới là người đáng nể. Cao hơn một bậc, chê sếp dốt nhưng tự tin về mình, nhận thức được mình có tài năng, bản lĩnh, có giải pháp xử lý cái sự dốt đó, thế mới đáng trọng. Đáng khen một con người thẳng thắn và bản lĩnh như Tiến. Bất cứ đơn vị nào, dù kinh doanh hay quản lý, cần có được người như vậy. 

Nhưng người đáng phục lại là ông Trương Gia Bình. Thông thường lời ngay chối tai, đặc biệt bị cấp dưới chê dốt giữa chốn ba quan như vậy là một sự xúc phạm, khó có người đủ lòng bao dung để cho qua. Nhưng ông Trương Gia Bình đã làm ngược lại, trọng dụng. Dùng được người tài phải là người tài.

Báo chí nêu chuyện “thâm cung” của FPT để nói đến việc dùng người và sự lắng nghe của những người được gọi là bề trên. Những góp ý của cấp dưới phải được tiếp thu, tôn trọng để điều chỉnh thì mới thay đổi được cái cũ, mới tạo ra giá trị. Nghe lời trái tai, thậm chí chê bai mình, nhưng bao dung, đó là cái đức của người lãnh đạo. Nhìn nhận được người có năng lực để cân nhắc, giao trọng trách, đó là cái tài của người lãnh đạo.

Đối với cộng đồng xã hội cũng tương tự, những ý kiến phản biện chính sách trong dân chúng, những tiếng nói xây dựng của trí thức cần phải được tiếp thu. Điều hay thì làm theo, điều khác chính kiến thì có phản hồi thuyết phục. Chính sự tiếp thu đó là cách để gần dân, phát huy tinh thần dân chủ, và quan trọng hơn là khai thác được tài nguyên trí tuệ trong dân.

Nhưng góp ý hay phản biện xã hội phải có trí tuệ thực sự, có tinh thần xây dựng tích cực. Chê người khác dốt thì mình phải là người giỏi. Nói lấy được và phản biện vô sư vô sách chỉ làm mất thì giờ của cả hai bên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn