MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát hiện sớm những mâu thuẫn, bức xúc để giải quyết tranh chấp lao động

Hoàng Văn Minh LDO | 26/08/2024 06:30

Mỗi một cuộc ngừng việc tập thể, quy mô to hay nhỏ, kéo dài hay chấm dứt nhanh đều không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, nếu không được giải quyết kịp thời và thỏa đáng.

Giải quyết các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể khi bùng phát là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính quyền địa phương. Tuy nhiên ngăn ngừa mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động từ trong trứng nước cũng như “dập lửa” từ khi mới thành “đốm”, trước hết là trách nhiệm, là nhiệm vụ trọng yếu của tổ chức Công đoàn các cấp.

Và thực tế từ nhiều địa phương làm tốt, xử lý tốt việc tranh chấp lao động trong thời gian qua cho thấy, một trong những cách hiệu quả nhất để làm điều này là nâng cao chất lượng các bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) theo hướng có lợi hơn cho người lao động.

Thỏa ước lao động không chỉ là văn bản pháp lý, mà còn là tấm gương phản ánh sự thỏa thuận, đồng thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Nếu TƯLĐTT được xây dựng một cách công bằng, hợp lý và sát với thực tế, quyền lợi của NLĐ sẽ được bảo đảm, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu nguy cơ xảy ra tranh chấp.

Việc nâng cao chất lượng TƯLĐTT đòi hỏi sự tham gia tích cực của tổ chức Công đoàn, không chỉ ở khâu soạn thảo, mà còn ở việc đàm phán, thương lượng với NSDLĐ. Công đoàn cần làm tốt hơn nữa vai trò người đại diện cho tiếng nói của NLĐ, đưa ra những yêu cầu, kiến nghị chính đáng và hợp lý, đồng thời phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dựa trên các số liệu, tình hình thực tế để thuyết phục NSDLĐ.

Để làm được, làm tốt nhất có thể điều này, trước hết Công đoàn các cấp phải tự xây dựng được cho mình một đội ngũ cán bộ làm công tác thương lượng, đàm phán chuyên nghiệp, vừa có tầm, vừa có tâm thật sự với NLĐ.

Vấn đề nữa là muốn “dập lửa” hiệu quả, Công đoàn cần sử dụng đa dạng các kênh thông tin để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó phát hiện sớm những mâu thuẫn, bức xúc có thể dẫn đến tranh chấp.

Những kênh như họp nhanh trước ca làm việc, số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý tại phân xưởng... cần được triển khai hiệu quả để NLĐ có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ. Một khi thông tin được tiếp nhận kịp thời, Công đoàn sẽ có thể phối hợp với các bên liên quan để đưa ra phương án giải quyết, tránh để tình hình diễn biến phức tạp hơn.

Ngoài ra, Công đoàn cần phải tranh thủ, tăng cường sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và cả doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa vai trò, tiếng nói của mình trong việc ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp.

Việc xử lý linh hoạt, chủ động và tích cực sẽ giúp tổ chức Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi cho NLĐ mà còn góp phần duy trì sự ổn định trong quan hệ lao động, từ đó tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn