MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phạt "hung thần tiếng ồn” không thể chỉ có "300k"

Linh Anh LDO | 10/03/2021 08:36
Trong các loại ô nhiễm thì ô nhiễm tiếng ồn là ít bị xử phạt nhất dù tác hại của nó đối với sức khoẻ và cuộc sống người dân rất lớn.

Tiếng karaoke suốt ngày đêm, tiếng cơ sở sản xuất, tiếng động cơ mô tô đã được độ lên… tạo thành một thứ nạn được truyền thông nâng lên mức “hung thần”, tra tấn người dân, tác oai tác quái bao nhiêu năm chưa dẹp nổi.

Lý do là thiếu dụng cụ đo lường, thiếu cả lực lượng kiểm tra giám sát.

Có đến 4 Nghị định có thể áp dụng để ngăn chặn “hung thần tiếng ồn” là Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định 167 xử phạt về hành vi vi phạm trật tự xã hội, Nghị định 155 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 98 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Thế nhưng đi vào chi tiết thì xử lý tiếng ồn lại dường như quá khó. Ở một thành phố đông dân như TPHCM nhưng một năm chỉ phạt được 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn là điều rất vô lý. Và vô lý hơn nếu nhìn vào mức phạt: cao nhất chỉ 300.000 đồng căn cứ vào Nghị định 167.

Đây là một mức xử phạt nhẹ tới mức gần như không có tính chất răn đe, phi lý như quy định quấy rối tình dục chỉ bị phạt có 200.000 đồng dạo nào.

Rõ ràng cũng không thể đổ lỗi hết cho các quy định vì mức phạt áp dụng cho vi phạm về tiếng ồn quy định tại điều 17 Nghị định 115 lên tới 160 triệu đồng.

Điều thiếu nhất để tiêu diệt “hung thần tiếng ồn” có lẽ là sự quyết tâm.

Năm 2019, Đà Nẵng tổ chức hẳn một lực lượng gồm cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và chuyên viên Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) giữa đêm đi đo tiếng ồn ở những một số phòng trà, quán bar. Việc sử dụng máy đo chuyên dụng có hiệu quả và Đà Nẵng phần nào giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Còn năm ngoái, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ khi bàn về chuyện xử lý tiếng ồn, cụ thể là karaoke loa kéo đã dùng cụm từ “lúng túng về trách nhiệm” và cho rằng "Ngành Môi trường nói Văn hóa, ngành Văn hóa nói Công an, Môi trường rồi xuống quận huyện… Vậy cuối cùng không biết ai giải quyết vấn đề này".

Kinh nghiệm từ Đà Nẵng cho thấy, thay vì giao cho đội liên ngành thì lực lượng công an, cảnh sát môi trường phải chịu trách nhiệm chính. Như vậy trách nhiệm của cảnh sát môi trường phải được nâng cao, mở rộng hơn.

Xử phạt nặng, được tăng cường công cụ chuyên dụng và đặc biệt là có quyết tâm và trách nhiệm thì mới mong để ô nhiễm âm thanh không còn là hung thần, trở thành “sát thủ” âm thầm tàn phá sức khoẻ người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn