MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT niêm phong, tạm giữ xe của một trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phạt lỗi nồng độ cồn: Khi uống vài chén rượu quy thành công bốc 25 tấn gạo

Anh Đào LDO | 03/03/2023 14:40

TP HCM: 17.456 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt trong chưa đầy 2 tháng. Hà Nội: Có ngày phạt tới 71 trường hợp. Đắk Nông: Giám đốc sở cũng lĩnh phạt 46 triệu đồng.

T.L.T. (SN 1993, trú tại Hòa Bình) khi bị lực lượng CSGT dừng xe máy, kiểm tra nồng độ cồn đã liên tục xin uống nước lọc, mong giảm bớt nồng độ cồn. Kết quả cuối cùng, anh vi phạm ở mức 0,190 mg/L khí thở. Với lỗi nồng độ đó, anh bị xử phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

T sau đó thật thà phân bua, rằng anh làm nghề bốc vác gạo thuê. Cứ xe 4 tấn gạo chia cho 4 người vác được trả công 400 ngàn đồng.

Nếu quy công bốc vác 100 ngàn đồng/tấn, thì T sẽ phải bốc tới 25 tấn gạo... để nộp phạt cho việc uống vài chén rượu gạo.

Rất nặng. Rất.. khó quên.

Cũng “khó quên” như việc một giám đốc sở ở Đắk Nông bị xử phạt tới 46 triệu đồng do lỗi điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn và không có giấy phép lái xe.

Và nếu T là một trend “quy gạo”, như một “cái giá” điển hình cho việc “uống rượu lái xe”, thì việc Giám đốc sở dính phạt nặng đang cho thấy những cuộc “gọi điện thoại cho người thân” hay “mày biết bố mày là ai không”... giờ không còn ý nghĩa nữa khi CSGT làm rất nghiêm.

Chúng ta có những con số chứng minh cho điều đó: Chỉ trong chưa đầy 2 tháng chiến dịch, TP HCM đã xử phạt tới 17.456 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Còn ở Thủ đô: Có những ngày CSGT xử phạt tới 71 trường hợp.

Đại úy Lê Huy Hoàng, Đội CSGT số 1 Công an Hà Nội nhìn nhận chính quy định rất nghiêm khắc với mức phạt cao và hình thức tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện... đã tạo ra sự thay đổi rất rõ. Chẳng hạn “trước kia” một ca công tác, CSGT phát hiện tới 6-7 trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn thì hiện tại, chỉ 1-2 trường hợp, thậm chí không phát hiện vi phạm. Người dân khi gặp chốt kiểm tra nồng độ cồn cũng chấp hành tốt, không như thời gian đầu”.

Có một điều Đại uý Hoàng chưa nói: Chính những trường hợp phạt cả giám đốc sở có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân.

Nhớ lại năm 2007, đã không ít ý kiến trái chiều khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy có hiệu lực. Nhưng giờ đây, một cá nhân không đội mũ bảo hiểm - trong con mắt dân nói chung- như thể lạc xuống từ hành tinh khác vậy.

Việc xử lý lỗi nồng độ cồn cũng thế: Sẽ trở thành một văn hoá “Đã rượu bia thì không lái xe”, nếu việc xử phạt được làm thường xuyên liên tục chứ không chỉ là những chiến dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn