MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT xử lý xe của một người dân bị lỗi nồng độ cồn đã bỏ lại xe.

Phạt nồng độ cồn: Đừng “một phát ăn ngay”

Anh Đào LDO | 07/01/2020 19:23

Bác H: “Tối nay tôi có uống rượu đâu. Trưa nay ở xóm có giỗ, tôi uống một ít rồi về đi ngủ. Chiều vợ rủ sang Vinh thăm người ốm, nghĩ hết rồi nên mới lấy xe đi. Ai ngờ lúc kiểm tra thì vẫn vi phạm”.

Bác H là một nhân vật dân chúng xuất hiện trên các bản tin về xử phạt nồng độ cồn. Câu chuyện của bác H mang đến “thông điệp” mà báo chí giật thành tít: Trưa uống tối thổi: 3 triệu đồng”.

Ngắn gọn, xúc tích, lạnh lùng như tính khách quan của pháp luật. Nhưng chứa đựng sự xót xa của người mất tiền, chứa đựng sự ngỡ ngàng của một người dân chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Bởi không chỉ 3 triệu đồng tiền phạt, bác H còn bị giữ xe 7 ngày, tước lái phép lái xe 12 tháng.

Có một sự thật thế này: Nghị định 100 mà dân vẫn gọi là nghị định xử phạt nồng độ cồn, vừa được ban hành ngày 20.12.2019 theo một “chu trình rút gọn”, có hiệu lực ngay từ 1.1.2020.

Có nghĩa, nó còn thậm chí chưa có thời gian tuyên truyền đến kịp với người dân. Để rồi hôm nay, xót xa, ngỡ ngàng, bất ngờ...

Phải kê thêm một chi tiết: trong chỉ 2 ngày đầu có hiệu lực, đã có 600 người bị xử phạt lỗi nồng độ cồn, số tiền nộp phạt hơn 800 triệu, và người nặng nhất bị phạt tới 40 triệu.

Tán thành với việc soạn thảo Nghị định 100 với “tinh thần xử lý nghiêm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào luật”, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Đặng Thuần Phong cũng đưa ra con số: Có 20 nước áp dụng phương án cứ có nồng độ cồn trong khí thở thì xử phạt, và Nghị định 100 này có hiệu lực thì chúng ta nằm trong nhóm 20 nước đó. Còn lại 80 nước thì mức độ cồn trong khí thở phải đạt đến ngưỡng nào đó người ta mới xử phạt. 

Trên TPO, ông cho rằng cũng cần phải xem xét, nghiên cứu chứ không thể làm “một phát ăn ngay” được. Bởi không khéo dễ dẫn đến bị lạm dụng và lợi dụng, như vậy sẽ phản tác dụng.

Một quy định nhân văn, vì người dân, có sức hiệu triệu với một thông điệp tuyệt vời nhưng muốn nó sống, trở thành một điển hình về sự tiến bộ như quy định cấm pháo nổ, như quy định buộc mũ bảo hiểm thì trước hết cách thức thực hiện cũng phải nhân văn, minh bạch.

Ít nhất, cũng tuyên truyền để người dân như bác H kịp biết, và tâm phục khẩu phục, rằng uống trưa mà đến tối bị thổi thì vẫn còn nồng độ cồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn