MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức xử phạt vụ sàm sỡ trong thang máy được báo chí nước ngoài gọi là "Tấn công tình dục" chỉ tương đương 8,41 USD, hay 10.000 won.

Phạt sàm sỡ 200 ngàn: Khi Chính phủ phải cầm tay chỉ việc

Anh Đào LDO | 24/03/2019 10:57

Quấy rối tình dục thì bị phạt 200 ngàn đồng, đổi 100 USD dính ngay 90 triệu tiền phạt. Bị sàm sỡ làm nhục thì một lời xin lỗi cũng không, nhưng sốc ma túy thì lại được thăm hỏi, phong bì. 2 so sánh cực kỳ chính xác về cả quy định và hành xử thực tế về cái gọi là “sự vô lý”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu kiểm tra việc xử lý đối tượng có hành vi “sàm sỡ” nữ sinh trong thang máy đang gây sóng gió dư luận. Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn, cần khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp- văn bản nêu rõ.

Có thể nói câu chuyện sàm sỡ trong thang máy gây dư luận một thì cách chúng ta xử lý sau đó - “phạt hành chính 200 ngàn đồng” - gây dư luận gấp mười.

Mức xử phạt “như đùa” ấy cũng “lên báo” nước ngoài từ Anh, đến Pháp, Hàn, với giá trị quy đổi: Tấn công tình dục = 8,41 USD, hay 10.000 won.

"Phạt tiền ... là một sự nhạo báng và sỉ nhục đối với phẩm giá của phụ nữ Việt Nam", trong khi “Khác với hiếp dâm, tấn công tình dục không phải là hành vi phạm tội ở Việt Nam mà chỉ được coi là vi phạm hành chính thuộc phạm trù "lời nói và hành vi không đứng đắn" với “Mức phạt tối đa cho tấn công tình dục là 300 ngàn đồng (13 USD)”. Và trong tình trạng “Cuộc khảo sát về bạo lực giới năm 2010 do Tổ chức Y tế Thế giới và chính phủ Việt Nam công bố cho biết 34% phụ nữ báo cáo lạm dụng thường xuyên...

Nhưng “phạt 200 ngàn” không hề là sự vô lý duy nhất.

Báo điện tử Chính phủ dẫn lời ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI đưa ra so sánh: Xử phạt đến 90 triệu đồng một người dân đi đổi 100 USD, nhưng lại phạt 200.000 đồng hành vi quấy rối tình dục. Và trên bình diện pháp luật, đây là “lỗi không hợp lý”, một “lỗi nghiêm trọng” trong các quy định luật.

Và một trong những nguyên nhân, là bởi “công việc to do ông nhỏ làm, công việc nhỏ do ông to làm”, tức là nghiên cứu soạn thảo chính sách thì do chuyên viên mới ra trường làm, đến lãnh đạo cấp vụ thì chỉ đọc ký trình- TS Nguyễn Đình Cung nói.

Cảm ơn Phó Thủ tướng, cảm ơn Chính phủ đã không bỏ ngoài tai nỗi uất ức, bức xúc của một nạn nhân, và không chỉ một nạn nhân.

Những yêu cầu kiểm tra, xử lý những vụ việc cá biệt thế này là cực kỳ cần thiết và hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ, nhất là khi nó là danh dự nhân phẩm của người phụ nữ, là bức xúc của dư luận.

Nhưng để Chính phủ khỏi phải cầm tay chỉ việc, khỏi phải bận bịu cả đến những sự vụ thông thường, có lẽ cái cần phải thay đổi đầu tiên chính là người làm luật, cần phải loại bỏ những cán bộ “chỉ biết cái thực tiễn phục vụ lợi ích của họ thôi, chứ không hiểu cái thực tiễn mà người dân và doanh nghiệp cần”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn