MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn dẫn đến cái chết thương tâm của 3 nạn nhân trong một gia đình. Ảnh: Công an Bắc Giang.

Phạt tù lái xe có nồng độ cồn cao chắc chắn sẽ hạn chế tai nạn giao thông

Lê Thanh Phong LDO | 12/11/2023 16:01

Áp dụng án phạt tù vào quy định xử phạt nồng độ cồn, kể cả chưa gây tai nạn, đó là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật.

Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do lái xe uống rượu bia vượt quá giới hạn, lái xe trong trạng thái say xỉn. Người bị tử vong dưới bánh xe của "bợm" rượu thật quá oan uổng, tức tưởi, chỉ có gia đình, người thân của nạn nhân mới thấu hiểu được. Người gây ra tai nạn giao thông có nạn nhân tử vong, cho dù bị xử lý hình sự, thì mạng người cũng không còn, người còn mạng thì cũng thương tật suốt đời. Vậy thì xử lý hậu quả không bằng ngăn chặn nguyên nhân xảy ra hậu quả.

Các nước văn minh đã tìm ra cái "lý đương nhiên" đó, và đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng cách xử phạt những người có nồng độ cồn vượt quá giới hạn, không chỉ là phạt tiền nặng, mà còn phạt tù.

Ở Trung Quốc, nếu nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu, chủ xe sẽ bị phạt tối đa 3 năm tù và bị cấm lái xe trong vòng 5 năm. Tại Nhật Bản, nồng độ cồn từ 0,15mg/l khí thở, người lái sẽ phải đối mặt với án tù 3 năm và phạt hành chính 500.000 Yên. Ở mức độ cao hơn, lái xe có thể bị truy tố 5 năm tù cùng 1 triệu Yên tiền phạt.

Còn nhiều quốc gia khác xem những người uống "quá chén" lái xe là mối đe dọa "giết người", cho nên xử tù mà không phải chờ đến khi gây ra tai nạn. Nghe quá là quá nghiêm khắc, nhưng càng ngẫm nghĩ càng đúng, vì đó là cách bảo vệ mạng sống của người vô tội.

Đợi tông chết người rồi mới bỏ tù thì chẳng khác gì "mất bò mới lo làm chuồng".

Trao đổi với phóng viên Lao Động về đề tài này, luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) nêu ý kiến: "Tôi cho rằng nên áp dụng án phạt tù vào quy định xử phạt nồng độ cồn, kể cả chưa gây tai nạn. Tất nhiên, nồng độ thế nào cần phải có một định lượng nhất định, và bắt buộc phải bằng một con số cụ thể là bao nhiêu, không được chung chung".

Đương nhiên phải định lượng cụ thể, có căn cứ khoa học, quy định trừng phạt bằng pháp luật không thể cảm xúc, định tính.

Nếu bổ sung quy định pháp luật, xử phạt tù người lái xe có nồng độ cồn cao thì đa số người dân không dám vi phạm. Bị phạt tiền là một chuyện, nhưng phạt tù thì không còn là chuyện tốn kém, mà "một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Ở tù vài năm mất đi nhiều cơ hội, mất sức khỏe và mất nhiều thứ khác. Ai mà chẳng sợ?

Muốn kéo giảm tai nạn giao thông, xây dựng Việt Nam có một nền văn minh giao thông như các nước tiên tiến, thì hãy thực hiện "pháp trị" mạnh mẽ với các trường hợp vi phạm pháp luật giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn