MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng phí giữ xe nhưng không có gì đảm bảo lượng ôtô sẽ giảm bớt. Ảnh minh họa, nguồn: SGGP.

Phí đỗ ôtô tăng gấp gần 10 lần: Tại sao và sẽ ra sao?

Anh Đào LDO | 01/03/2018 13:01
“Sốc” là từ dùng của đại diện Mặt trận Tổ quốc TPHCM trước mức phí giữ ôtô lên tới 40 nghìn đồng/ giờ mà Sở Giao thông Vận tải vừa đưa ra.

Hãy nghe lý luận của cơ quan đề xuất. Rằng việc tăng phí sẽ giảm bớt tình trạng tạm dừng đỗ xe trên lòng đường và một số vỉa hè. Rằng mức thu này có tác động tích cực trong việc hạn chế người dân sử dụng ôtô cá nhân vào nội đô và sẽ cân nhắc lựa chọn các phương tiện đi lại khác góp phần giảm bớt ùn tắc và kẹt xe của thành phố.

Ngay trước mắt “con cua” tăng phí này sẽ mang về nguồn thu chằn chặn 31 tỷ đồng mỗi tháng, chỉ tính riêng trên 35 tuyến đường được phép đậu xe.

Quá hời, mà lại chẳng cần phải mất công mất sức, chẳng cần phải “chất xám” gì!

Nhưng câu chuyện tăng phí, và cả mức giá cao nhất đề xuất, đang đặt ra những câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” rất lớn: Tại sao lại không phải chỉ gấp đôi, gấp bốn lần mức thu hiện tại (5.000 đồng) mà lại gấp 8 lần? Và liệu đây là biện pháp nhằm “hạn chế” hay chỉ thuần túy là tăng thu sau khi “cơ chế đặc thù” cho TPHCM được thông qua?

Theo Sở GTVT TP, mức phí đề xuất căn cứ vào mức giá trông giữ xe tại các bãi, hầm giữ xe tại các trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng trên địa bàn. Cụ thể, mức phí tăng cao hơn từ 20-25%. Cơ quan đề xuất hoàn toàn không giải thích tại sao lại là tăng cao hơn, tại sao lại cao hơn 20-25%.

Có nghĩa là mức thu lên tới 40 nghìn đồng/ giờ được đưa ra hoàn toàn cảm tính. Theo kiểu: Nếu 50 nghìn đồng có khi hơi nhiều. 40 nghìn đồng có khi dân chịu được. 30 nghìn đồng hình như hơi thấp...

Và với cách đề xuất cảm tính thế này, nếu 1 năm sau không hạn chế nổi, họ lại chẳng đưa ra một con số khác. Cảm tính mà!

Giờ quay trở lại mục tiêu của việc thu phí. Như lý luận của Sở, việc tăng thu lên gấp nhiều lần là để “giảm bớt”, “hạn chế”.

Nhưng lấy gì để đảm bảo mức phí trên giời, gây sốc kia sẽ khiến người dân chuyển từ ôtô cá nhân sang các phương tiện công cộng như xe bus? Có gì đảm bảo lượng ôtô sẽ giảm bớt.

Nhớ trong buổi phản biện hôm 28.2, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Nguyễn Văn Hậu cho rằng đề án cần chú ý việc người đi xe ôtô bị ảnh hưởng như thế nào? Phí thu được sử dụng ra sao? Bởi nếu không cẩn thận, đề án này sẽ “đẩy” người đi ôtô về các tuyến đường hoặc hẻm khác không thu phí để đậu xe, dẫn đến kẹt xe.

Trên hết, một cơ quan công quyền không thể đưa ra một con số cảm tính. Không thể đề xuất một chính sách không có khảo sát, đánh giá, thậm chí không tính đếm được hiệu quả. Và cơ chế đặc thù lại càng không đồng nghĩa với chỉ một chữ “tăng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn