MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM tổ chức thu phí đỗ xe ôtô. Ảnh: LĐO

Phí đỗ xe thất thu vì tiền lọt vào tay bảo kê và tham nhũng vặt

Lê Thanh Phong LDO | 12/08/2022 11:14

Chuyện thu phí đỗ xe ở TPHCM không chỉ dừng lại ở chỗ lỗ hay lãi, mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Một con số đáng buồn, Theo Sở GTVT TPHCM, tính từ tháng 8.2018 đến hết tháng 5.2022, số phí thu được trên các tuyến đường nêu trên là hơn 8,5 tỉ đồng.

Có nguyên quỹ đường phố là tài nguyên có giá trị để khai thác, chỉ việc đứng ra thu tiền, mà cũng lỗ thì thà đừng làm còn hơn.

Nhưng vấn đề không phải là kinh doanh lỗ hay lãi, mà trong vụ làm ăn này có điều rất không bình thường. Khi đưa ra mô hình kinh doanh này, dự kiến với quỹ đường phố được khai thác, mỗi tháng thu được vài chục tỉ, nhưng thực tế là một năm được hơn 2 tỉ đồng. Còn lỗ đến 8 tỉ đồng năm 2021.

Đã là dự kiến, dự báo thì có thể sai số, nhưng đương nhiên sai số không đáng kể. Đằng này, sự chênh lệch đến vô lý, đến mức bất bình thường, và đương nhiên trong đó có dấu hiệu mờ ám, thậm chí vi phạm pháp luật.

Bài viết: "Chỉ việc thu phí đỗ xe ôtô cũng lỗ 8 tỉ đồng, chuyện lạ có thật ở TPHCM" trên Lao Động ngày 21.6 phân tích: "Người ta tổ chức một bộ máy để kiếm tiền, nhưng người ta không quản được bộ máy đó, thì chỉ có mất tiền. Nói như vậy bởi vì những ai từng trả tiền cho nhân viên thu phí đỗ xe, sẽ hiểu rõ chẳng ai quản nổi họ. Họ muốn thu phí hay thu cho cá nhân thì có nhiều cách. Chẳng có phần mềm nào phát hiện ra nạn "tham nhũng vặt" này".

Câu hỏi đặt ra, nếu nhân viên thu phí thu tiền tươi thấp hơn để không xé vé thì ai quản được họ?

Câu hỏi đặt ra, có vài trăm lượt xe đỗ trên một tuyến phố, nhưng nhân viên thu phí chỉ xé vé vài chục chiếc, còn lại đút túi chia nhau, vậy thì ai quản?

Đối với chủ xe, giữa việc phải trả năm bảy chục ngàn đồng, trăm ngàn đồng nếu bắt nhân viên xé vé, và "boa" cho nhân viên thu phí một ít tiền nhưng không cần xé vé, thì nhiều người sẽ chọn cái lợi hơn là chống thất thoát cho nhà nước.

Ngoài nhân viên thu phí khoác áo của doanh nghiệp dịch vụ công cộng, còn có những kẻ chẳng cần "màu áo" nào nhưng vẫn đứng ra thu tiền ngang nhiên. Đa số chủ xe phải rút tiền đưa như là việc đương nhiên, như là "luật hè phố", một thứ luật rừng tồn tại trong một xã hội có một "rừng luật".

Có một "rừng luật" trong tay nhưng không quản nổi tài nguyên đường phố, để cho bọn bảo kê, tham nhũng vặt khai thác, thì đó là một sự thất bại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn