MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tri thức may và mặc áo dài Huế được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phan Thanh Hải

Phở, mì, áo dài - lạm phát di sản văn hóa phi vật thể

Lê Thanh Phong LDO | 13/08/2024 18:00

Bộ VHTTDL vừa ghi danh hàng loạt Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho "áo dài Huế”, "Mì Quảng", "Phở Nam Định"...

Đây liệu có phải là những hoạt động chấn hưng văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch không?

Phở Hà Nội, phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vậy phở của các địa phương khác thì sao?

Mì Quảng là Di sản phi vật thể quốc gia, vậy các món ăn nổi tiếng đặc sản của các địa phương như bún bò Huế, cơm gà, bánh xèo, cháo lươn Vinh, cháo bột Quảng Trị, hủ tiếu Sài Gòn thì sao?

Còn nữa, nhiều món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc như thắng cố, xôi ngũ sắc, cơm lam... cũng xứng đáng là di sản như mì quảng hay phở.

Chưa kể còn nhiều loại như mè xửng Huế, kẹo dừa Bến Tre, cốm Hà Nội, bánh đậu xanh... rồi là cà phê chồn, nước mắm Phú Quốc. Ôi thôi, riêng nước mắm đã có nhiều tên tuổi, kể ra cũng không hết.

Văn hóa của từng vùng miền tạo ra bản sắc, sự khác biệt, không có lý do gì công nhận món ăn hay trang phục của vùng miền này là di sản văn hóa phi vật thể mà không công nhận cho vùng miền khác. Phở có cộng đồng những người yêu thích ăn món này, thì hủ tiếu cũng có cộng đồng riêng. Nếu không có cộng đồng đó thì không thể có sức sống mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.

Áo dài Huế là Di sản văn hóa phi vật thể, vậy áo tứ thân, áo bà ba Nam Bộ, chưa kể rất nhiều trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc trên khắp cả nước. Những trang phục gắn liền với nghề dệt vải, tạo ra màu sắc, hoa văn của người H'Mông, người Dao, người Thái, rất giàu có "tri thức dân gian", cũng xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể.

Còn nữa nón lá, nón quai thao có thể là di sản phi vật thể lắm chứ! Nếu kể thêm về thứ "đội trên đầu", có lẽ cũng rất nhiều tên gọi được đưa vào danh sách để cấp chứng nhận di sản.

Ai trả lời được tri thức dân gian kết tinh nên tô mì quảng, trong bát phở, trong tô bún gồm các nội dung gì và ai thừa nhận nội dung đó. Ngay tại Hà Nội, phở của quán này cũng không giống quán khác, nói chi đến vùng miền.

Cho nên, để công nhận một món ăn hay trang phục là di sản văn hóa phi vật thể cần có tiêu chí, đo lường được, lý tính, không phải cảm tính.

Và câu hỏi đặt ra, liệu có cần phải công nhận theo cách này không. Khi mà di sản tràn ngập thì có còn quý giá, có còn là di sản nữa không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn