MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phòng chống bão lũ, trước hết phải “phòng chống” ý thức chủ quan

Hoàng Văn Minh LDO | 07/09/2024 06:00

Siêu bão số 3 (bão Yagi) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm lên đến cấp 16 (184-201km/giờ), giật trên cấp 17, đang tiến vào khu vực vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam đối mặt với một cơn siêu bão như thế này.

Gần đây, kể từ năm 2016, Việt Nam đã hứng chịu 3 cơn siêu bão tương tự gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cụ thể, bão số 1 (bão Mirinae) vào vịnh Bắc Bộ tháng 7.2016 làm 3 người chết, 4 người mất tích, 30 ngôi nhà sập hoàn toàn; bão số 10 (bão Doksuri) đổ bộ vào Hà Tĩnh và Quảng Bình tháng 9.2017; bão Molave tàn phá Quảng Nam - Bình Định vào tháng 10.2020 khiến 13 người bị thương...

Nhắc lại để thấy rằng, bão lũ ở Việt Nam năm ít năm nhiều, năm to năm nhỏ là chuyện “đến hẹn lại lên”, không phải là những tình huống thiên tai quá bất ngờ đến mức không kịp trở tay. Chúng ta đã có nhiều, nếu không muốn nói là có thừa kinh nghiệm để phòng chống, ứng phó với những cơn siêu bão.

Thêm vào đó, không như vài chục năm trước, hiện nay các phương tiện dự báo thời tiết đã hiện đại, chính xác hơn; phương tiện phòng, chống và ứng cứu cũng được nâng cấp; nhà cửa phần lớn được xây dựng kiên cố, đủ sức “chống chịu” những cơn bão thông thường... Điều này đã giúp người dân và chính quyền bớt đi phần nào sự hoang mang, lo sợ kiểu vừa phòng, chống vừa run sợ.

Chưa hết, trong nhiều năm gần đây, chúng ta còn có một công thức phòng, chống bão lũ hiệu quả chung từ Trung ương đến địa phương với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây là gần như năm nào, cơn bão hay lũ nào đi qua cũng để lại thiệt hại về người do cây đổ, tôn bay, thuyền lật, sụt hố... Đáng nói là, ngoài những thiệt hại bất khả kháng, vẫn có những thiệt hại do ý thức chủ quan của người dân và chính quyền địa phương, lặp đi lặp lại một cách đáng tiếc và đáng trách.

Gần đây, dựa trên cơ sở “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, một số địa phương ở miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã “sáng tạo” thêm một "tại chỗ" nữa là “tự quản tại chỗ” để nhắc nhau không chủ quan trong bất kỳ tình huống nào, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người.
Tại chỗ thứ 5 - “tự quản tại chỗ” là một kinh nghiệm hay, đã được kiểm chứng về tính hiệu quả tại các địa phương miền Trung trong thời gian qua. Kinh nghiệm này cần được phổ biến, nhân rộng ra nhiều địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của siêu bão Yagi.

Trước mỗi cơn thiên tai, ưu tiên bảo vệ hàng đầu vẫn là mạng sống con người bởi như cha ông ta đã nói: “Còn người thì còn của”. Vì vậy, phòng chống bão lũ, điều quan trọng nhất lúc này chính là "phòng, chống" ý thức chủ quan của cả người dân và chính quyền để hạn chế tối đa thiệt hại về người!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn