MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hát tròn vành rõ chữ là một trong những tiêu chuẩn thanh nhạc truyền thống của ca sĩ. Ảnh: adammuzic.vn

Phụ đề tiếng Việt cho… nhạc Việt

Hoàng Văn Minh LDO | 30/07/2023 06:37

Một trào lưu mới xuất hiện trong nhạc Việt, sau trào lưu Anh - Việt – Hàn lẫn lộn trong một bài hát là nhiều ca sĩ thần tượng của thế hệ GenZ, hát bằng tiếng Việt nhưng lại cần phụ đề… tiếng Việt thì khán giả mới hiểu được là họ đang hát gì.

Tá hoả, là cảm giác của rất nhiều khán giả khi nghe, xem những sản phẩm âm nhạc mới nhất của các ca sĩ Việt Nam có những nghệ danh như ERIK và MONO.

Đây là những ca sĩ thần tượng của thế hệ GenZ, có lượng theo dõi rất lớn trên mạng xã hội.

Tá hoả là bởi tiêu chuẩn truyền thống và phổ quát trên toàn thế giới của một ca sĩ, trước hết là phải hát tròn vành rõ chữ.

Tuy nhiên những ca sĩ vừa kể họ hát bằng tiếng Việt, nhưng khán giả người Việt chịu không thể nào nghe để hiểu được là họ đang hát về nội dung gì bởi lối phát âm tiếng Việt méo mó, lại còn hát nuốt chữ, lạm dụng kỹ thuật luyến láy.

“Cần phải có phụ đề tiếng Việt thì may ra mới hiểu được anh ấy đang hát gì” – một bình luận của khán giả sau khi nghe nhạc của ERIK trên mạng.

Một xu hướng nữa gây tranh cãi không dứt, bắt đầu từ những năm 2000 và kéo dài cho đến bây giờ là những ca khúc Việt sử dụng, pha tạp ngôn ngữ nước ngoài.

Có những bài hát, thậm chí người viết còn sử dụng 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn trong một ca khúc như Take it slow (nhóm nhạc LIME).

Và các ca sĩ khi biểu diễn, trên màn hình phải chạy phụ đề cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt thì người nghe mới có cơ hội hiểu được là họ đang hát gì.

Tất nhiên cái lý của “phụ đề”, theo như giải thích của nhiều nhạc sĩ, rằng xu hướng âm nhạc pha trộn ngôn ngữ đã có ở rất nhiều nước như: Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật, châu Âu…

Và ngày càng có nhiều khán giả nước ngoài bắt đầu theo dõi các kênh của Việt Nam trên Youtube. Không ít người đã để lại bình luận rằng họ thích một ca khúc nào đó vì hiểu được nội dung bài hát.

Do đó, việc ca khúc có pha trộn ngoại ngữ cũng là một cách để quảng bá, giúp khán giả nước ngoài hiểu thêm về những ca khúc Việt Nam.

Tuy vậy, xét đến cùng thì đây là những xu hướng có tính lai căng về mặt ngôn ngữ, lợi ít hại nhiều, làm méo mó tiếng Việt, không nên cổ xuý.

Thêm nữa, nói rằng âm nhạc như vậy sẽ có thể dễ hội nhập, bắt kịp xu hướng âm nhạc của thế giới chỉ là sự ngụy biện.

Bởi thế giới, chắc chắn chẳng ai thèm cho mình hội nhập bằng thể loại âm nhạc được thể hiện bằng ngôn ngữ Tây ta lẫn lộn như những nồi lẩu thập cẩm, không có bản sắc riêng như vậy cả.

Với lại, như nhóm nhạc Blackpink đang có mặt ở Hà Nội, họ có hát bằng tiếng Việt hay pha lẫn tiếng Việt bao giờ đâu mà người hâm mộ Việt Nam lại đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia trên thế giới "cày view" cho họ?

Làm ca sĩ hay rộng hơn là nghệ sĩ, trước hết phải biết tự hào rằng “tôi yêu tiếng nước tôi” như lời một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy.

Và hát, nói bằng tiếng Việt để người Việt nghe hiểu mà không cần phải phụ đề, đó cũng là một cách góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn