MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Danh sách thí sinh có điểm bài thi sau phúc khảo thay đổi so với chấm đợt đầu. Ảnh: Chụp màn hình

Phúc khảo từ điểm 1 lên điểm 9 ở Trường THPT chuyên Lam Sơn là bài học cho cả nước

Lê Thanh Phong LDO | 04/06/2024 19:00

Sau kết quả phúc khảo, một thí sinh thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn được nâng từ điểm 1 lên điểm 9 - chuyện khá hi hữu xảy ra rất được dư luận quan tâm.

Thí sinh đó là em Ngô Hoàng Khôi có điểm chấm đợt đầu môn Toán là 1 điểm, nhưng điểm phúc khảo lại là 9.

Dư luận băn khoăn là tại sao lại có sự chênh lệch điểm lớn như vậy. Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa giải thích: Do bộ phận lên điểm nhầm.

Đúng là một sự nhầm "chết người". Ngay từ đầu, bài thi môn Toán (chuyên) của em Ngô Hoàng Khôi được chấm 9 điểm, nhưng không hiểu tại sao bộ phận lên điểm lại nhầm sang 1 điểm. Quá khó hiểu.

Nhưng cũng thông cảm cho nhà trường, vì chuyện nhầm lẫn, sai sót vẫn thường xảy ra. Rất may là trong trường hợp này, kết quả phúc khảo đã trả lại điểm 9 cho thí sinh, có thể có nhiều trường hợp bị oan nhưng không biết.

Từ vụ nhầm lẫn này, cần tính đến cách thức nhập điểm như thế nào để tránh tối đa sai sót. Ở thời đại mà ai cũng có thể nói đến "4.0", nhưng cách làm việc vẫn cứ là "0.4". Ai cũng nói đến số hóa, nhưng hệ thống vận hành lại thủ công, dân gian nói vui là "động cơ chạy bằng cơm".

Nếu nói rằng số hóa hay khai thác các ứng dụng công nghệ, thì ngành giáo dục phải là tiên phong. Để cho sai sót do thực hiện quy trình thủ công là không phù hợp với thời đại, cần phải có sự thay đổi.

Trở lại trường hợp em Ngô Hoàng Khôi, vì nhập điểm sai với con số quá chênh lệch, từ 9 điểm xuống 1 điểm nên em phải yêu cầu chấm phúc khảo. Em biết bài làm của mình không thể bị điểm 1, chắc chắn có sự nhầm lẫn.

Nhưng với rất nhiều trường hợp khác, nếu có sự nhầm lẫn với số điểm chênh lệch nhỏ, 1 điểm hoặc dưới 1 điểm, thì chưa chắc thí sinh đã phát hiện ra để phúc khảo. Và như vậy thì quá thiệt thòi cho "nạn nhân". Bởi vì, trong các cuộc thi có tính cạnh tranh cao, chỉ thiếu 0,25 điểm là bị loại.

Phải xem vụ điểm 1 lên điểm 9 ở Trường THPT chuyên Lam Sơn là một "ca" đặc biệt, mổ xẻ về quy trình để chỉ ra lỗ hổng trong chấm thi, nhập điểm, để phổ biến cho trong ngành giáo dục. Các trường học, Sở Giáo dục Đào tạo các địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi thật tốt, không bị sai sót.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng các kỳ thi, đảm bảo chính xác và trung thực, ngành giáo dục phải có một quy trình chuẩn mực được vận hành bằng ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn