MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập huấn cách nhận biết hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ảnh CTV/LĐO

Quá kỳ cục khi "nháy mắt liên tục" cũng bị cho là quấy rối tình dục

Lê Thanh Phong LDO | 31/05/2022 16:36

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay… tại nơi làm việc được xếp là hành vi quấy rối tình dục.

Đó là một trong những quy định tại Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn thiện.

Trên thực tế, rất khó xác định hành vi quấy rối tình dục, có hành vi có thể xác định được, nhưng có những hành vi không thể xác định.

Nếu như kết luận một hành vi "nhìn gợi tình" là quấy rối tình dục thì quá cảm tính. Có thể một người nhìn người khác với tình cảm yêu mến thực sự, chẳng lẽ đó cũng là quấy rối tình dục.

Theo quan điểm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Vậy thì, trong một tập thể, có thể người này "yêu thầm nhớ trộm" người kia, có cái nhìn biểu hiện tình cảm, nhưng người tiếp nhận không chấp nhận tình cảm đó, cũng là quấy rối tình dục hay sao?

Còn nữa "nháy mắt liên tục" cũng bị xem là quấy rối tình dục thì quá kỳ cục, không thể chấp nhận được. Một quy định quá khó hiểu và cảm tính.

Trong các hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói, có hành vi là "những lời đề nghị, những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục". Quy định này quá vô lý, mời đi chơi, kể cả để tỏ tình thì có gì là quấy rối tình dục.

Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử hay quy định của một văn bản quy phạm pháp luật, việc đầu tiên là phải trong sáng, dễ hiểu và không thể hiểu nhiều cách khác nhau. Đối với những quy định mù mờ, không xác định được tính chất của hành vi, thì không áp dụng được vào trong thực tế đời sống.

Cho nên, rất nhiều luật được ban hành nhưng chẳng xử phạt được vì khó xác định người có hành vi vi phạm hoặc vì quá xa rời cuộc sống.

Đối với hành vi quấy rối tình dục, đã có Nghị định 144 xử phạt hành chính, kể cả có hành vi sẽ bị áp dụng Bộ luật Hình sự để xử phạt. Nhưng chưa có nhiều người bị xử phạt vì hành vi này.

Xã hội phải lên án những người có hành vi quấy rối tình dục, luật pháp phải có quy định xử phạt thật nghiêm. Tuy nhiên, khi đưa ra quy tắc ứng xử hay quy định hành vi vi phạm để điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật thì phải cụ thể, rõ ràng, xác đáng.

Nếu không, sẽ chẳng xử được ai theo luật và chẳng ai chấp hành quy tắc ứng xử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn