MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian vừa qua. Ảnh: Hải Nguyễn

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, không còn hiệu quả nữa thì nên bỏ

Hoàng Văn Minh LDO | 30/03/2024 15:27

Bộ Công thương cho biết, đang tiếp tục lấy ý kiến về việc bỏ hay giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 29.3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu một thông tin rất được dư luận quan tâm là Bộ này tiếp tục lấy ý kiến để đưa ra các đề xuất phù hợp liên quan đến việc bỏ hay giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Dư luận quan tâm là bởi, theo như thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân là thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập.

Những bất cập này mới đây cũng đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. Trong đó đề cập tới hàng loạt vi phạm của "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và những vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quản lý.

Đáng chú ý là kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, với số tiền là 7.927 tỉ đồng...

Thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến, đặc biệt từ phía cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, tha thiết đề xuất Chính phủ nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Hoặc Chính phủ cần chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu thành xăng dầu dự trữ và trích xả lượng xăng dầu phù hợp với các văn bản điều hành trích xả quỹ để ổn định nguồn cung.

Những lý do dẫn đến việc đề xuất không nên giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, không chỉ đến từ việc Quỹ này có quá nhiều bất cập và hệ lụy, như kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, mà còn đến từ việc đã quá lạc hậu với tình hình thực tế.

Theo các doanh nghiệp, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ của Chính phủ đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc trong bối cảnh thị trường thế giới biến động tăng mạnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, biên độ dao động của giá dầu so với thời điểm thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trước khi Luật giá năm 2012 ra đời đã khác rõ rệt cả về giá và cơ cấu sản phẩm, do đó không còn theo tỉ lệ thuận thuần túy nữa và độ chênh cũng quá lớn.

Và để điều tiết giá xăng dầu phục vụ an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, hiện Nhà nước đã có công cụ chính là điều tiết thuế, phí trong giá nhập khẩu xăng dầu, nên không cần thiết phải có thêm sự tham gia của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng vừa có một bước tiến có tính cách mạng về chính sách, rất được cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đồng tình ủng hộ khi đã hoàn thiện dự thảo mới về Nghị định sửa đổi 3 Nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây.

Trong đó, điểm mới nhất của Nghị định sửa đổi này là để các doanh nghiệp được quyền tự quyết giá xăng dầu. Điều này có nghĩa là tới đây, Nhà nước sẽ giảm thiểu sự can thiệp vào quyết định giá bán của doanh nghiệp và thị trường xăng dầu sẽ có được một sự cạnh tranh lành mạnh đúng nghĩa.

Dĩ nhiên, người được lợi không chỉ là các doanh nghiệp mà còn là người dân!

Và sẽ là một bước tiến có tính cách mạng nữa về chính sách, nếu như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tới đây cũng sẽ được bỏ hoặc bị thay thế bằng một hình thức khác hiệu quả, công bằng, sát với thị trường hơn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn