MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn Ảnh: Hưng Thơ

Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông sẽ giảm gánh nặng cho xã hội

Lê Thanh Phong LDO | 25/02/2024 20:34

Bộ Công an đề xuất bổ sung Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Đây không phải là hoạt động từ thiện, mà được luật hóa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo báo cáo An toàn đường bộ toàn cầu 2023 do Tổ chức Y tế Thế giới công bố, Việt Nam là 1 trong 35 quốc gia có tỉ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông giảm trên 30%. Đây là sự thay đổi tích cực, hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông thời gian qua.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn là mối đe dọa lớn, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ hơn.

Cho dù tai nạn giao thông được kéo giảm, thì đề xuất lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông vẫn rất cần được nghiên cứu, xem xét để đưa vào luật. Đã là tai nạn giao thông là thảm cảnh, thảm cảnh của chính nạn nhân và gia đình nạn nhân, nhưng đó cũng là gánh nặng chung cho cộng đồng.

Một gia đình bị kiệt quệ, không làm ăn sinh sống được, con cái thất học, kiệt quệ về kinh tế, nhiều gia đình, như vậy là vấn đề chung của cả xã hội. Từ góc nhìn đó, sẽ thấy cần sự tương thân tương ái để hỗ trợ những người không may mắn.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân là lao động chính trong gia đình. Nếu tử vong hay bị thương tật, gia đình của nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, túng quẫn. Con cái sẽ bị ảnh hưởng tới học hành, thậm chí phải bỏ học, tương lai mù mịt.

Có nhiều vụ tai nạn, nạn nhân và gia đình chỉ được phía gây ra tai nạn bồi thường, nhưng chắc chắn không thể bù đắp được thiệt hại. Bởi vì, cùng với chi phí thuốc men, điều trị thương tật, là một quãng đường dài sinh kế trước mắt mà gia đình nạn nhân phải đối diện.

Chưa kể, có nhiều vụ tai nạn giao thông, người gây ra tai nạn cố tình không bồi thường, hoặc không có khả năng bồi thường. Mọi thiệt hại nạn nhân và gia đình phải gánh chịu.

Cho nên, khi có nguồn lực xã hội hỗ trợ, sử dụng đúng mục đích, trong từng hoàn cảnh cụ thể, sẽ giúp cho nạn nhân và gia đình bớt đi khó khăn. Số tiền từ quỹ có thể hỗ trợ đóng học phí cho con cái nạn nhân học hành, hoặc tạo công ăn việc làm để gia đình của nạn nhân có kế sinh nhai, ổn định cuộc sống...

Quỹ là nguồn tài chính xã hội hóa, sẽ vận động được nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, đúng với truyền thống nhân ái của người Việt, "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng".

Và cũng từ quy định này, nếu được luật hóa, cũng là cách để nhắc nhở bất cứ ai ngồi sau tay lái, hãy cẩn thận để đừng tạo ra gánh nặng cho xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn