MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khủng hoảng xử lý rác thải xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành miền Trung. Ảnh: Ngọc Viên

Quy hoạch vùng không thể là "quả mít", cũng không phải là phép cộng

Thanh Hải LDO | 13/10/2023 06:29

Phát biểu tại "Hội nghị quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", vừa tổ chức tại Đà Nẵng hôm 11.10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quy hoạch vùng không phải là phép cộng từ quy hoạch các tỉnh.

Khi nghe tư vấn báo cáo về quy hoạch vùng tại hội thảo, hầu hết đại biểu, Chủ tịch UBND các tỉnh miền Trung đều bất ngờ. Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các địa phương mất nhiều năm làm quy hoạch tỉnh, nhưng chưa từng được tiếp xúc với đơn vị tư vấn quy hoạch vùng. Vì vậy khó đảm bảo tính khả thi, khớp nối với các quy hoạch tỉnh đã trình, được Chính phủ phê duyệt...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng cho biết, chưa từng gặp đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng. Bởi vậy mới bất ngờ, "sốc" khi nghe tư vấn đề nghị đặt khu xử lý rác thải rắn, tập trung của toàn vùng tại Quảng Nam. Ông Thanh nói, "không rõ thông tin đơn vị tư vấn viết báo cáo lấy từ đâu".

Xử lý rác thải đang là vấn đề "nóng" ở hầu hết các địa phương cả nước. Nếu khu xử lý chất thải rắn tập trung về một nơi, khi xảy ra sự cố, hàng loạt tỉnh, thành sẽ bị ảnh hưởng. Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng, cần xem xét lại đề xuất này, bởi Thanh Hóa không thể "chạy" hơn 400km để chuyển rác vào Quảng Nam xử lý...

Quy hoạch là để phục vụ phát triển, là định hướng có tầm nhìn xa, nhưng quy hoạch không hợp lý sẽ kìm hãm sự phát triển. Thậm chí gây tác động xấu đến cả vùng, khu vực.

Vì tầm nhìn ngắn hạn, thiếu quy hoạch vùng, nên trong quá khứ đã có hiện tượng "mạnh ai nấy làm". Hệ quả là tỉnh nào ở miền Trung cũng có nhà máy bia, cán thép, mía đường, xi măng lò đứng, cảng biển nước sâu, sân bay... Để rồi thiếu nguồn hàng, vắng khách, cạnh tranh manh mún và không có sự liên kết.

Thiếu quy hoạch chung, không liên kết nên cả 5 tỉnh Tây Nguyên đều có sản phẩm giống nhau. Nhất là vùng trồng cây nông sản. Để rồi quy mô kinh tế hạn chế, yếu kém và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách.

Tư vấn để thiết kế quy hoạch vùng là công việc hết sức quan trọng, nhưng hiện không chỉ giúp các địa phương thu hút nguồn lực như thế nào, ở đâu. Các vùng kinh tế trọng điểm như khu liên hợp ôtô, công nghiệp phụ trợ ở Quảng Nam… thì liên kết, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ra sao? Địa phương nào cũng có du lịch biển, vậy phát triển đột phá gì cũng không có trong quy hoạch. Quy hoạch cũng chưa chỉ ra được nguồn lực phát triển, ngành ưu tiên và danh mục ưu tiên đầu tư cũng chưa được đồng nhất...

Quy hoạch cần lựa chọn vấn đề, các lợi thế vượt trội của địa phương, định hướng những công trình quy mô lớn, làm động lực cho cả vùng phát triển, chứ không thể chỉ nêu lên thế mạnh của từng vùng.

Đã qua rồi cái thời mà ngành nào cũng phải là "mũi nhọn" kinh tế, tỉnh nào cũng "đột phá", làm "đầu tàu" cho sự phát triển kiểu chiến lược quy hoạch "quả mít".

Và nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, quy hoạch vùng có tính pháp lý cao nhất và là công cụ giúp giải quyết nhiều vấn đề cho các tỉnh thành. Nhưng "quy hoạch vùng không phải là phép cộng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn