MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phần bờ biển ở thôn Kê Gà, xã Tiến Thành, huyện Hàm Thuận Nam đầy rác. Ảnh: C.H

“Rác quốc tế” hay “rác ma” cũng do con người xả ra

LÊ THANH PHONG LDO | 20/08/2018 07:15

Rác ngập bờ biển của TP.Phan Thiết, bốc mùi hôi thối đến nỗi du khách trả phòng tháo chạy, nhiều tour du lịch đến Mũi Né của tỉnh Bình Thuận bị hủy vì du khách sợ rác. 

Rác thải phổ biến gồm chai nhựa, dây thừng, dây nhựa. Các khu du lịch biển huy động người dọn hôm nay, ngày hôm sau rác lại ập vào, rác khủng khiếp, dọn không xuể. Có nhiều khách du lịch nước ngoài có tinh thần bảo vệ môi trường, xắn tay áo giúp dân địa phương dọn rác.

Theo Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp: Hằng năm, cứ vào tháng 8, gió mùa tây -nam tràn về, thì một khối lượng lớn rác thải từ ngoài biển lại ồ ạt dạt vô bờ biển Phan Thiết. Loại rác này, như người dân Phan Thiết gọi, đó là “rác quốc tế”, “rác ma”.

Báo Lao Động ngày 19.8.2018 có bài “Rác nhựa: Sợi dây thòng lọng thít cổ đại dương” phản ánh tình trạng xả rác thải, chủ yếu là rác nhựa ra môi trường và hậu quả là môi trường biển bị hủy hoại. Một ví dụ sinh động về sự tàn sát sinh vật biển do rác thải là một con cá voi ở Thái Lan bị chết vào tháng 6 vừa qua, và người ta tìm thấy hơn 80 túi nylon cùng nhiều vật dụng bằng nhựa khác tổng cộng 8kg trong bụng con cá voi này.

Có nhiều động vật biển bị con người tấn công bằng rác thải, bị thương và chết rất thê thảm. Thế giới lên tiếng cảnh báo trong vô vọng, con người ngày càng tàn ác hơn với thiên nhiên.

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển công bố năm 2017, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã xả một lượng rác nhựa xuống biển nhiều hơn toàn bộ thế giới cộng lại. Rõ ràng, Việt Nam nằm trong “top” xả rác, và những đống rác đang ập vào bờ biển của ta không phải “rác ma”, không chỉ là “rác quốc tế”, mà trong số đó có phần do chính chúng ta xả ra. Mỗi người trong chúng ta tự kiểm điểm lại mình, đã bao giờ xả rác chưa? Trong hàng vạn chai nhựa từ biển dạt vào bờ đó, có bao nhiêu chai do chính tay mình quăng xuống. Chúng ta đã nhận lại những gì mà chúng ta hành xử với thiên nhiên.

Mỗi năm có từ 8-13 triệu tấn nhựa được đổ xuống môi trường biển toàn cầu. Nhưng xin đừng nghĩ rằng, vài chai nhựa do mình vứt ra không đáng gì so với con số đó. Chỉ cần mỗi người không vứt rác, thì sẽ không có 13 triệu tấn nhựa mỗi năm đổ ra biển.

Nhưng ngoài kêu gọi nhận thức và hành vi tích cực của người dân, chính quyền phải có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và bằng các công cụ quản lý, phải kiểm soát được rác thải nhựa. Nếu không, cái giá phải trả không chỉ là bờ biển ngập rác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn