MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà hàng của resort nằm trên hành lang bảo vệ bờ biển, thời điểm trước khi báo chí phản ánh. Ảnh: TM

Resort lấn chiếm Vườn Quốc gia chứ đâu phải cái chòi!

Lê Thanh Phong LDO | 27/06/2020 07:00

Báo Lao Động và nhiều cơ quan truyền thông phản ánh tình trạng “Resort lấn chiếm Vườn quốc gia” trên đảo Phú Quốc (thuộc xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Nhưng dư luận “càng lên tiếng thì chủ resort càng lấn tới”, xây dựng thêm nhiều công trình, thậm chí còn xâm phạm hành lang an toàn bờ biển được quy định tại khoản 1, Điều 79, Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo.

Công trình xây dựng là một khu resort, không phải là một cái chòi, nhưng không ai hay biết mới là chuyện lạ.

Xã không biết, huyện không hay, tỉnh thì ở trong bờ, cho nên chủ resort cứ ngang nhiên lấn chiếm Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Dân cũng ngạc nhiên hỏi, Ban quản lý Vườn Quốc gia Phú Quốc đi đâu, làm gì, lại để cho người ta ngang nhiên chặt phá rừng làm resort mà không hay biết. Câu trả lời không khó, chỉ có điều chưa có chứng cứ để giải thích cho sự im lặng này.

Xin hãy thử xem, nếu ai đó vào Vườn Quốc gia Phú Quốc, dựng cái chòi lá, sẽ bị lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, xử lý ngay lập tức. Vậy thì cả khu resort vẫn cứ mọc lên thách thức dư luận. 

Resort Nam Phương do ông Lê Hoàng Nghiệp - Doanh nghiệp tư nhân Nghiệp Liên, làm chủ - có tổng diện tích 9.372m2, tọa lạc tại khu vực tổ 7, ấp Gành Dầu, nhưng có đến 9.264/9.372m2 nằm trong ranh giới Vườn Quốc gia Phú Quốc, thuộc Tiểu khu 75, phân khu phục hồi sinh thái. Có nghĩa là gần 100% diện tích thuộc Vườn Quốc gia.

Xây dựng resort đương nhiên phải được cấp phép, nếu không có phép thì đây là công trình xây dựng trái phép. Công trình xây dựng trái phép dứt khoát phải bị cưỡng chế, tháo dỡ.

Phú Quốc nổi tiếng là địa phương có nhiều công trình xây dựng trái phép. Bạn đọc còn nhớ vụ cắt ngọn tầng 9 của khách sạn 5 sao Seashells tại thị trấn Dương Đông. Khách sạn này được cấp phép 8 tầng, nhưng chủ đầu tư xây dựng 9 tầng. Huyện hát bài “lơ hò lơ”, dư luận lên tiếng, tỉnh ra cho “cắt”.

Hay như, công trình Khu nghỉ dưỡng Pullman được xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng tại thời điểm thanh tra vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hoặc Bãi Trường, có một số khu đất theo Quy hoạch 633 là đất công trình công cộng, cây xanh, mặt nước nhưng BQL đã giao hoặc cho nhà đầu tư thuê đất với mục đích thương mại, dịch vụ.

Quản lý tài nguyên đất đai, quản lý xây dựng “cẩu thả” như vậy, đảo Phú Quốc không tan nát mới là chuyện lạ.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phú Quốc và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang phải xử lý khu resort Nam Phương, nếu không thì dân có quyền nghi ngờ về nhóm lợi ích đang phá hoại Vườn Quốc gia Phú Quốc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn