MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rừng núi phía Tây trơ trụi, gây nên những trận lũ đá, lũ bùn mỗi mùa mưa bão, cho phía hạ du. Ảnh T.H

Rừng, sạt lở và lũ đá!

Trung Hiếu LDO | 12/11/2020 18:38
Hôm qua (11.11) một đoạn phim ngắn được tải lên mạng xã hội, ghi lại cảnh tượng sạt lở-một ngọn núi đổ sập trên đầu đoàn công tác. Tiếng kêu thảng thốt - chạy đi, chạy đi, chạy đi… và mười mấy con người hoảng loạn tháo chạy giữa trận lũ đất, đá đổ ầm ầm, làm người xem bàng hoàng, thương xót.

Đó là đoạn phim hy hữu tình cờ được một người trong đoàn công tác vùng cao ghi lại tại huyện Bắc Trà My.

Trận sạt lở làm 1 người mất tích, 3 người bị thương. Khủng khiếp hơn, tiếp đó, hồi 13 giờ hôm sau (12.11), cũng tại ngay vị trí đó, ngọn núi tiếp tục một đợt sạt lở mới ập xuống ngay trên đầu lực lượng quân đội và công an đang tìm kiếm người mất tích. May mắn, được báo động kịp thời, mấy mươi con người chạy được lên sườn núi đối diện, thoát chết.

Sạt lở núi lấp kín đường giao thông vào vùng sâu, vùng xa (ảnh T.A)
Trước đó, ngày 10.11, một trận sạt lở núi ở Quảng Ngãi, dòng lũ đá vùi lấp cả một ngôi làng tại xã Sơn Long, huyện Sơn Tây; và cách đó mươi ngày, trong đợt mưa lũ đầu tháng, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam sạt lở núi cũng đã vùi lấp, chôn vùi gây tang tóc cho nhiều gia đình.

Dư luận đau xót và phẫn nộ đặt câu hỏi, tại sao núi rừng một thời gắn bó với đời sống; nuôi nấng, che chở người dân bản địa… nay lại đột ngột “quay lưng trở mặt” rập rình đổ ập tai họa xuống dân lành.

Đã từng cách đây không xa, thơ văn miêu tả, rừng từng “che bộ đội”, từng “vây quân thù” ! Rừng như A-ma, A-mế (cha-mẹ) dang tay che chở, nuôi nấng, tạo dựng bản sắc văn hóa của đồng bào thiểu số Tây Nguyên, Tây Trường Sơn.

Nhưng bao lâu, lòng tham lam của con người đã tàn hại biến núi rừng hùng vĩ này thành đất trống, đồi núi trọc, trơ trọi sỏi đá.
Quân đội, Công an đào cả núi đất sạt lở để tìm người mất tích (ảnh T.C)

Đi trên đỉnh Trường Sơn hôm nay, trên đường Hồ Chí Minh, không khó nhận ra hàng trăm bản làng “định canh, định cư” dân tộc Cơ-Tu, Giẻ-Triêng, Ê Đê, J’rai…bám vào quốc lộ. Những ngôi nhà sàn bản địa biệt tích và thay vào đó là nhà tường xi măng, mái lợp tôn; và đến thiêng liêng như mái nhà Gươl, nhà Rông cũng không tìm đâu ra một cây gỗ tốt làm cột, dựng vách, một cọng tranh dài để lợp mái…

Cách đây mấy hôm trên diễn đàn Quốc Hội, một bộ trưởng đưa ra con số trồng rừng lạc quan, vượt qua tốc độ tăng của thế giới. Thậm chí hệ số che phủ của rừng Việt Nam hiện đến 42%, gần gấp đôi bình quân của thế giới. Và diện tích rừng còn tăng hơn cả cách đây 30 năm.

Trồng cây nguyên liệu giấy, sau năm năm, rừng lại thành đất trống đồi trọc (ảnh T.H)
Trên thực tế đó chỉ là con số có thể nhằm làm yên lòng những ai ít đi thực tế đến những cánh rừng… Vì vậy đại biểu tỉnh Gia Lai- người con của núi rừng Tây Nguyên đã phủ nhận con số ảo ảnh đó, bằng những hình ảnh miêu tả thực trạng đáng lo ngại hơn nhiều.

Trong số hàng triệu hec-ta rừng trồng mới trong những năm qua, chiếm một phần rất lớn là rừng công nghiệp, rừng tạp. Những cánh rừng cây này tuổi thọ từ 5-10, đủ độ lớn là bị khai thác để làm nguyên liệu giấy, phục vụ công nghiệp, tiêu dùng hay sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và để lại những vùng đất khô cằn, trơ khấc.

Hàng ngàn hec-ta rừng keo lá tràm sau khi khai thác tại xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, để lại rừng núi trơ trụi (ảnh T.H)
Thiếu lớp thực bì, thiếu những gốc đại thụ, rừng không còn là bức tường chắn; mưa lớn mỗi mùa, dòng nước dữ cuốn trôi đất, đá mặt, tạo nên những trận lũ bùn, lũ cát tàn phá vùng hạ du mỗi năm.

Hãy nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay của đại ngàn Tây Nguyên, của những cánh rừng trên dãy Trường Sơn, phía Tây Miền Trung hiện nay, cùng những trận lũ ống, lũ quét, đẩy hàng triệu khối đất đá về hạ du để có những quyết sách căn cơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn