MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rừng trên giấy, ai đó phải chịu trách nhiệm chứ?

Thanh Hải LDO | 08/07/2021 14:41

Nhiều cánh rừng ở Kon Tum, Gia Lai hiện nay chỉ tồn tại trên giấy tờ quản lý nhà nước. Thực trạng rừng ở nhiều nơi hiện trơ trọi đồi núi trọc, đất đá khô cằn hoặc bị dân xâm lấn làm nông nghiệp...

Mới đây, tại Kon Tum, hơn 17ha rừng, ở tiểu khu 726, thuộc địa bàn xã biên giới Ia Dal, huyện Ia H’Drai bị người dân triệt hạ để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Tuy còn cây gỗ to, nhưng phần lớn diện tích là rừng nghèo, cây bụi. Điều đáng nói là cả chính quyền lẫn các công ty caosu thuê đất rừng ở đây đều chối bỏ trách nhiệm của mình.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’Drai khẳng định, 17ha này thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần Caosu Sa Thầy. Số liệu kiểm kê rừng năm 2014 và diễn biến rừng năm 2020, Công ty Sa Thầy thuê đến 6.000ha ở đây. Điều này có nghĩa là rừng đã được chuyển đổi, tận thu gỗ trước khi giao đất cho doanh nghiệp trồng caosu, nên 17ha bị người dân đốn gỗ, xâm lấn không thể gọi là phá rừng...

Ngược lại, lãnh đạo Công ty Caosu Sa Thầy lại khẳng định, 17ha đó không thuộc sự quản lý của mình. Vì vậy, gần 2 tháng nay, vụ phá rừng vẫn còn đang chờ điều tra, xử lý.

Thời điểm này, 2 doanh nghiệp caosu ở Kon Tum cũng kiến nghị trả lại trên 1.700ha đất. Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên caosu Chư Mom Ray trả lại 1.400ha và Công ty Cổ phần caosu Sa Thầy trả hơn 300ha. Cả 2 doanh nghiệp này đều thuộc Tập đoàn Caosu Việt Nam. Lý do trả lại đất cho tỉnh là vì 1.700ha này chủ yếu đồi núi đá, ven khe suối, đất bán ngập… không phù hợp để trồng cây caosu.

Như vậy, sau hơn 10 năm thuê đất được cho là rừng nghèo để chuyển đổi trồng caosu, đến nay các doanh nghiệp này mới "nhận ra" rừng thuê chỉ là đất đồi, dốc... không phù hợp để trồng nên trả lại.

Đây cũng là thực trạng tại nhiều địa phương như huyện Chư Pưh, Chư Sê, Ia Pa… ở Gia Lai. Khi Gia Lai chấp thuận cho các dự án điện gió quy mô lớn như Yang Trung, Chơ Long... triển khai thì mới phát hiện "dính" vào phần đất lâm nghiệp, dù hiện trạng không còn rừng, chỉ đất cằn khô, sỏi đá. Vì vậy, Gia Lai đang kiến nghị quy hoạch lại 3 loại rừng cho phù hợp, làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cho các doanh nghiệp điện gió tiếp tục thi công.

Vậy là đã rõ về "số phận" của nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên. Để mất rừng thì điều tra hiếm khi tìm ra thủ phạm. Đến khi rừng nghèo thì cho chuyển đổi (cả chục ngàn ha) để trồng caosu và trồng rừng sản xuất. Và khi rừng "giảm cấp" hơn nữa, chỉ còn đất cằn, đồi núi trọc thì bị đùn đẩy, vô thừa nhận hoặc tiếp tục cho chuyển đổi sang mục đích khác.

Đến nước này thì rừng chỉ còn tên gọi trong quá khứ, hoặc chỉ gọi dưới tên mới là đất ở miền núi, cao nguyên. Nếu với cách ứng xử như hiện nay thì rừng sẽ mất vĩnh viễn; hết cơ hội tái sinh. Lẽ ra phải có ai đó chịu trách nhiệm về hiện tượng "trọc hóa" những cánh rừng này chứ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn