MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xử phạt hành chính đối với rượu giả, rượu độc có chấm dứt được tình trạng đầu độc chính đồng bào mình? (Ảnh TTXVN)

Rượu độc: Đừng chờ đến lúc có nạn nhân

Anh Đào LDO | 02/02/2019 06:42

Trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL. Những lít rượu ngô bao tử được pha chế bằng...nước lã, phẩm màu, cồn công nghiệp. Không thể nói khác, bán rượu độc chính là bán thuốc độc, là đầu độc đồng bào mình.

Ngày 28.1, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân D.V.M (37 tuổi, ngụ đường Tô Hiến Thành, Q.10) trong tình trạng suy hô hấp, mê, tụt huyết áp. Đặc biệt pH máu bệnh nhân hạ thấp, kèm tổn thương gan thận, mê sâu, đe dọa sự sống. Kết quả xét nghiệm độc chất trong máu cho thấy nồng độ Methanol trong máu của bệnh nhân sau 36 giờ uống rượu là 54,1 mg/dl, vượt xa so với nồng độ tử vong là 40 mg/dl.

2h sáng ngày 31.1, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân L trong tình trạng đã hoàn toàn bất tỉnh. Ở Trung tâm này, thậm chí, đã có những trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL.

Đây chỉ là hai trong vô số những trường hợp ngộ độc rượu đang được cấp cứu tại các cơ sở y tế trong một tình trạng biết trước sẽ đặc biệt gia tăng trong dịp tết Kỷ Hợi.

Có một nhận xét chung là đa số các ca ngộ độc đều sử dụng rượu trắng không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, được bán trôi nổi nhưng công khai khắp mọi hang cùng ngõ hẻm.

Rượu Methanol, pha bằng cồn công nghiệp. Có thể nói đó chính là rượu độc. Và hành vi làm và bán cho người dân chính là bán thuốc độc, là đầu độc đồng bào của mình.

Nhưng có vẻ như việc xử lý của chúng ta là quá thụ động, nếu như không nói là gần như vuốt đuôi khi các vụ vi phạm chỉ được điều tra, xử lý khi đã có hậu quả chết người.

Mới tinh, trong vụ phát hiện 2.080 lít rượu ngô bao tử được pha chế từ nước lã, phẩm màu, cồn công nghiệp tại Lào Cai, cơ quan chức năng đã xử lý cơ sở rượu “kém chất lượng” này bằng biện pháp: Xử phạt hành chính 32 triệu đồng.

Ngay trước dịp tết Kỷ hợi, Ban bí thư TƯ vừa ban hành chỉ thị số 30 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một trong những yêu cầu mà chỉ thị 30 đưa ra là phải “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm”, phải “Có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khoẻ, gây thiệt hại hoặc đe doạ đến tính mạng, an toàn của người tiêu dùng”. Và đặc biệt là “Hoàn thiện các chế tài đủ răn đe đối với những hành vi sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khoẻ, tính mạng..., nhất là đối với các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu...”

Nhưng liệu tình trạng bán rượu độc, đặc biệt trong dịp tết này có thể được ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt nếu các vụ sản xuất rượu giả, rượu độc vẫn chỉ là xử lý hành chính, vẫn được giải quyết bằng tiền?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn