MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sách giáo khoa chậm đến tay học sinh là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương

Lê Thanh Phong LDO | 20/07/2023 06:44

Chỉ còn hơn tháng nữa là học sinh bước vào niên học mới 2023 - 2024, nhưng nhiều địa phương chưa triển khai tốt việc lựa chọn sách giáo khoa, phụ huynh, học sinh chờ đợi trong lo lắng.

Phụ huynh mong muốn có thông tin sớm về sách giáo khoa lựa chọn để mua cho con. Học sinh cũng muốn có bộ sách để chuẩn bị cho việc học. Mỗi bộ sách giáo khoa có nội dung biên soạn khác nhau, xem xét trước là điều cần thiết, chưa kể còn thêm sự yên tâm cho học sinh bước vào một năm học mới.

Muốn có một bộ sách giáo khoa không đơn giản, trước hết là bước qua khâu hội đồng tuyển chọn, sau đó trình phê duyệt. Khi đã được duyệt, phải gửi danh mục, số lượng thống kê từng đầu sách để nhà xuất bản triển khai in ấn, phát hành.

Muốn in ấn không chỉ có số liệu của một địa phương, mà của các tỉnh thành. Chính vì vậy, một vài địa phương chậm gửi số lượng là ảnh hưởng đến sự vận hành của cả hệ thống. Chưa kể, giáo viên phải được tập huấn, hướng dẫn sử dụng bộ sách giáo khoa mới. Tập huấn kỹ lưỡng thì giáo viên mới giảng dạy đạt chất lượng chuyên môn cao, học sinh tiếp thu có hiệu quả. Muốn như vậy thì công tác này cũng phải được triển khai nghiêm túc, khoa học, không phải là qua loa cho xong việc.

Nhưng việc cung ứng sách giáo khoa đang bị chậm trễ. Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã đưa ra kế hoạch phát hành sách trước ngày 15.6.2023, đến nay đã chậm hơn một tháng, từ nhà trường cho đến học sinh đang quá sốt ruột. Học sinh không phải muốn sớm có bộ sách mới để học thêm, học trước, mà để chủ động cho việc học tập.

Chậm do ai, phải có người chịu trách nhiệm và xử lý trách nhiệm. Cụ thể là Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, sau đó là lãnh đạo địa phương. Việc tổ chức tuyển chọn bộ sách, phê duyệt là thẩm quyền của các vị này, không đổ cho ai khác. Chỉ chừng đó việc nhưng không hoàn thành, ảnh hưởng đến việc dạy và học của một địa phương, trách nhiệm đó không nhỏ.

Ngoài việc chậm trễ do thiếu trách nhiệm trong công việc, còn có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm.

Trao đổi với Lao Động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, đã nhận được nhiều phản ánh rằng nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên. Có một địa phương tổ chức biên soạn bộ sách riêng, do đó chỉ chọn sách của mình, chặn đứng các bộ sách khác. Bộ GDĐT phải làm rõ có hay không sự việc như ĐBQH đã nêu và có câu trả lời rõ ràng cho dư luận.

Đừng xem sách giáo khoa như một món hàng đem lại lợi ích tiền bạc, mà là lợi ích cho việc giáo dục đào tạo của đất nước. Chỉ có như thế mọi việc mới nhanh chóng, thông suốt và đảm bảo chất lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn