MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần thay đổi quan niệm về sách giáo khoa. Ảnh: Vân My

Sách giáo khoa chỉ là "học liệu", không phải “chỗ dựa”

Hoàng Văn Minh LDO | 19/08/2023 20:07

Những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn, được dư luận quan tâm đặc biệt trước thềm năm học mới.

"Nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kêu gọi tại cuộc gặp gỡ với giáo viên cả nước vào ngày 15.8.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong chương trình đổi mới giáo dục, sách giáo khoa chỉ còn là một công cụ, là học liệu, cũng có thể là công cụ, học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc.

Sách giáo khoa chỉ là “những đường dẫn” để người học tiếp cận được các nguồn học liệu khác cho mục đích bổ sung thông tin - bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành Công ty giáo dục Rising Stars and Hodder, Primary của Anh - nói về vai trò của sách giáo khoa ở Anh tại một hội thảo quốc tế liên quan đến việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cách đây mấy năm.

Theo bà Andrea Carr, nhiều môn học ở Anh hiện nay thậm chí không cần đến sách giáo khoa. Bởi việc dạy và học hoàn toàn không chỉ dừng lại ở kiến thức trong sách mà thông qua đó kích thích người học tiếp tục đào sâu, mở rộng kiến thức, kỹ năng...

Sách giáo khoa – học liệu là một khái niệm rất mới mẻ không chỉ với học sinh, phụ huynh mà cả với thầy cô giáo. Bởi lâu nay, theo khuôn phép của “giáo dục đồng phục”, sách giáo khoa là “chỗ dựa” để giáo viên, học sinh phải theo đó mà dạy, học, kiểm tra, học gì phải thi đó… khiến giáo viên và học sinh không còn khả năng sáng tạo nay tư duy độc lập.

Đổi mới giáo dục, bắt đầu bằng việc thay đổi quan niệm và giảm dần sự lệ thuộc vào sách giáo khoa. Và điều chưa có tiền lệ là tới đây, giáo viên sẽ được nhiều quyền, chủ động hơn trong việc quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá…

Đổi mới giáo dục, coi sách giáo khoa là “học liệu”, là “những đường dẫn”, tất yếu cũng sẽ không cần thiết phải có thêm nữa một bộ sách giáo khoa do Nhà nước soạn thảo như đang có đề xuất và tranh cãi vì học sinh và giáo viên không còn cần “chỗ dựa” cũng như gây tốn kém, lãng phí.

Tất nhiên, sự đổi mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không thể một sớm một chiều. Bởi từ truyền thống “chỗ dựa” đến cách tân công cụ, “học liệu”, “những đường dẫn” là hai thái cực trái ngược nhau. Kéo theo đó là những tư duy, thói quen đã ngấm vào trong máu thịt.

Vậy nên ngành giáo dục trong bối cảnh như hiện nay, ngoài việc cần kiên trinh (không bỏ nghề), kiên trì (làm sao để phụ huynh, xã hội hiểu, đồng hành, ủng hộ) thì quan trọng nhất là phải kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới.

Đó cũng là những thông điệp quan trọng mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gửi gắm đến các thầy cô giáo trong buổi gặp mặt trước thềm năm học mới đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn