MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sách giáo khoa càng xã hội hóa càng tăng giá. Ảnh: Đặng Chung

Sách giáo khoa ngày càng tăng giá, do đâu?

Hoàng Văn Minh LDO | 10/11/2023 06:09

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn nhưng nguyên nhân không phải do Bộ.

Hồi đầu năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16.8.2023 yêu cầu các bộ liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023–2024.

Công điện yêu cầu Bộ GDĐT, các tỉnh thành phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa hoặc tăng giá bất hợp lý trước khi khai giảng năm học mới.

Tuy nhiên, thực tế thì vẫn “Mỗi năm đến hè, học sinh man mác buồn, còn phụ huynh mỗi năm đến mùa tựu trường cũng man mác buồn” – như lời đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ví von trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trên Quốc hội hôm qua.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, phụ huynh man mác buồn là do sách giáo khoa tăng giá, thậm chí không mua được.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nói rằng, việc xã hội hóa sách giáo khoa thời gian qua có nhiều vấn đề đặt ra. Và ông đặt câu hỏi làm kiểu gì mà càng xã hội hóa, giá sách giá khoa ngày càng tăng?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong thực tế, giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn.

Và nguyên nhân của việc giá sách chưa rẻ như mong muốn là do Bộ GDĐT chỉ có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính thì duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.

Tức là vấn đề giá rẻ hay đắt, phụ huynh man mác buồn hay vui tươi hớn hở mỗi mùa tựu trường nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GDĐT.

Dĩ nhiên đó là một câu trả lời chưa rõ, không thể thỏa mãn được đại biểu hỏi và người dân.

Lại nhớ hồi năm ngoái, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã từng nói một cách “phải sòng phẳng”, rằng: Ngành giáo dục đang nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: Giáo viên và tài chính.

Bộ trưởng “sòng phẳng” thật, bởi giáo viên thì do Bộ Nội vụ quản lý theo ngành dọc. Còn tiền thì Nhà nước trả lương giáo viên và duyệt chi cho việc mua sắm tất tần tật thì do Giám đốc các Sở GDĐT địa phương đề xuất lên Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định.

Và ngay cả giá thành sách giáo khoa, không phải đến bây giờ, mà từ trước đó, Bộ GDĐT cũng chỉ “duyệt trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản”.

Vậy nên có những câu hỏi, người đứng đầu Bộ GDĐT biết hết, nhưng lại không thể tự mình trả lời rõ ràng, thỏa đáng được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn