MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an quận 3 và các đội nghiệp vụ, Công an TPHCM khám nghiệm hiện trường vụ án. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Săn bắt cướp là nhiệm vụ của cảnh sát

LÊ THANH PHONG LDO | 15/05/2018 06:50
2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi bị đâm chết, 1 người dân giúp hiệp sĩ cũng bị đâm thiệt mạng, 1 hiệp sĩ khác bị thương nặng vì đã tham gia bắt cướp. Xin cúi đầu trước lòng dũng cảm của các hiệp sĩ và người dân. Vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của các anh.

Và xin được bàn một vấn đề khác, đó là xã hội kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, nhưng hoạt động theo dõi bắt cướp là lực lượng cảnh sát, không phải của người dân.

Người dân có thông tin về tội phạm thì báo cho công an, trong một trường hợp nhất định, có thể vây bắt trộm cướp. Bởi vì nếu ai cũng vô cảm, cũng trơ mắt đứng nhìn trộm cướp mà không dám ra tay hành động, thì trộm cướp sẽ lộng hành. Tuy nhiên, tổ chức câu lạc bộ chuyên theo dõi bắt cướp lại là chuyện khác.

Những người có lòng can đảm này được gọi là hiệp sĩ, nhưng họ không phải là cảnh sát. Hiệp sĩ không đại diện cho chính quyền, có chức năng nhiệm vụ được chính quyền giao cho, có sự bảo đảm của pháp luật, có vũ khí và công cụ trấn áp tội phạm. Vụ việc hiệp sĩ lâm nạn vừa rồi cho thấy do các anh không được trang bị vũ khí như cảnh sát, cho nên không đủ sức để tự vệ, khống chế bọn cướp.

Xã hội có pháp luật chính là ở chỗ con người tuân thủ pháp luật, và các lực lượng bảo vệ trật tự trị an phải hoạt động, thực thi công vụ đúng theo các quy định của pháp luật. Trấn áp tội phạm là công việc của cảnh sát, lực lượng này phải làm thật tốt trách nhiệm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và sự bình yên cho nhân dân.

Hiệp sĩ không phải là cảnh sát, cho nên không phải trong trường hợp nào cũng có quyền theo dõi và bắt giữ người, rất có thể rơi vào trường hợp bắt giữ người trái phép.

Hiệp sĩ không phải là cảnh sát, cho nên trong trường hợp nào đó, họ có thể từ chống tội phạm thành vi phạm pháp luật. Ví dụ như ở vụ án trên, trong lúc xảy ra ẩu đả, người bị tử vong là những kẻ trộm xe, thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào, chắc chắn các hiệp sĩ sẽ bị khởi tố về hành vi giết người, còn xem xét về hành vi phạm tội lại là việc của các cơ quan tố tụng.

Tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm trong nhân dân, nhưng không nên khuyến khích phong trào hiệp sĩ săn bắt cướp. Cái giá phải trả là tính mạng của hai hiệp sĩ ở TPHCM bắt buộc chúng ta phải có cái nhìn tỉnh táo hơn.

Cảnh sát là lực lượng đại diện cho pháp luật thực thi nhiệm vụ săn bắt cướp, không phải là người dân. Hiệp sĩ cho dù có lòng dũng cảm nhưng không thể làm công việc mà họ không có thẩm quyền, không có chức năng nhiệm vụ và không có chuyên môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn