MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá thảm hại cho một SVĐ quốc gia trị giá 53 triệu USD khi những người quản lý nó đã để lại một món nợ thuế đến ngót ngàn ti đồng. Ảnh: Trần Tuấn

Sân vận động Mỹ Đình trước nguy cơ kê biên, đấu giá để... siết nợ

Đào Tuấn LDO | 06/07/2022 11:41

Nếu việc truy thu thuế Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình tiếp tục bế tắc, sân vận động quốc gia Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước... có thể bị kê biên, bị đem ra đấu giá.  

Không nói nhiều nữa, Cục Thuế TP.Hà Nội vừa có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Lý do là để thu hồi số nợ thuế hiện đã lên đến 848 tỉ đồng.

Phải nói ngay, quyết định này không những mà còn quá đúng. Cái Khu Liên hợp này bầy hầy có khác gì một ông “Chúa Chổm” đâu.

Có thể tưởng tượng được không! Những người quản lý ở đây đã từng ký tới 202 hợp đồng và 68 phụ lục “cho thuê mặt bằng”.

Giá thuê, rẻ một cách bất thường. Đến mức hầu hết các DN thuê “mặt bằng” ở đây đều cho thuê lại với giá cao gấp 3 lần giá thuê của Khu Liên hợp.

Theo Thanh tra Chính phủ: Thời điểm năm 2018, chỉ có 17 DN ký hợp đồng thuê nhưng thực tế có tới 144 DN sử dụng mặt bằng đất.

Phải nộp thuế việc cho thuê đất không có gì phải bàn cãi cả. Và số tiền thuế tính ra giờ đã lên tới 848 tỉ đồng- một núi nợ- giờ, đã không còn khả năng thanh toán.

Những người làm sai giờ đã hạ cánh an toàn rồi. Để lại một “tài sản” từng bị chê “không khác gì bãi cỏ bò gặm dở”, một “tài sản” mà ông Trần Văn Chiên, đương nhiệm Phó Giám đốc Khu Liên hợp có lẫn than thở rằng: “Ngân quỹ không còn gì cả”. Rằng, “Trước đây, thời Giám đốc Cấn Văn Nghĩa, mỗi năm thu từ 50-70 tỉ, nhưng tiêu sạch rồi... giờ quỹ trống rỗng”. Rằng “Chúng tôi làm gì còn nguồn thu”.

Cung thể thao dưới nước trị giá 240 tỉ, SVĐ Mỹ Đình thậm chí 53 triệu USD, tương đương 1.300 tỉ đồng thời giá 2003. Nắm giữ trong tay 2 cơ sở vật chất vào hàng “thượng thừa” trong thể thao cộng thêm vô số “đất vàng”... nhưng tại sao lại nợ khủng khiếp đến vậy?

Đơn giản thôi: Vì SVĐ quốc gia là công sản, là của chung. Mà của chung thì cũng có nghĩa là chẳng của ai cả. Để những người quản lý nó tha hồ đục khoét, làm sai, làm bậy.

Đục khoét đến mức cải tạo cái đường pitch cũng đã bị nâng khống giá, từ 9 lên 24 tỉ đồng. Ngay việc nhập một cái máy làm nóng nước bể bơi cũng bị nâng giá từ 1 lên 7 tỉ đồng.

Đục khoét, để lại đống nợ xong… hạ cánh an toàn?!

Nhưng Mỹ Đình cần phải bị cưỡng chế, thậm chí, bị kê biên, bán đấu giá, và những người gây ra món nợ ngót ngàn tỉ ấy cần phải bị xem xét trách nhiệm. Bởi chỉ như thế, nó mới “trả lại công bằng” cho những người dân từng bị siết nợ cả nhà xưởng, đất đai, xe cộ và cả nhà cửa để trả nợ thuế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn